Nhà thơ – Nhà báo Lê Nguyên: Cánh chim không mỏi
- Văn hóa - Giải trí
- 20:02 - 02/07/2017
Sinh năm 1931, Lê Quốc Toàn (bút danh Lê Nguyên) sớm ý thức trách nhiệm của mình với đất nước trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Năm 1946, “xếp bút nghiên” rời Hà Nội, Lê Nguyên lên đường theo tiếng gọi của quê hương.
Nhà thơ, nhà báo Lê Nguyên khi là chiến sĩ quân đội
Từ những ngày đầu tham gia cuộc kháng chiến, ông đã làm báo, tờ báo đầu tiên ông tham gia có tên là “Thành đồng biên giới”, tiếp theo là báo “Công Đồn”. Năm 1953, khi mới hơn 20 tuổi, Lê Nguyên được giao phụ trách tờ Anh Dũng, tờ báo của Sư đoàn 312. Lê Nguyên còn nhớ, trong lán trại của phòng chính trị đại đoàn, dưới một cánh rừng già Yên Bái, sau khi truyền đạt nhiệm vụ công tác chính trị sắp tới, chính ủy đại đoàn nhấn mạnh: “Những trận đánh sắp tới có yêu cầu rất cao về công tác chính trị, tư tưởng nên cần phải cải tiến nâng cao chất lượng tờ Anh Dũng. Nội dung phải phong phú hấp dẫn, khuôn khổ lớn hơn trước, tờ báo phải là của cán bộ, chiến sĩ đại đoàn do cán bộ chiến sĩ đại đoàn viết và đọc, in ấn phải rõ bởi đại đa số cán bộ chúng ta là những người nông dân mặc áo lính. Đảng ủy đại đoàn xét thấy đồng chí Lê Nguyên có khả năng và có quan hệ rộng rãi với nhiều cán bộ, chiến sĩ trong thời gian làm phái viên đảng ủy đại đoàn. Tôi đã trao đổi với đồng chí tư lệnh nên giao nhiệm vụ này cho đồng chí Lê Nguyên trực tiếp phụ trách”.
Lê Nguyên và niềm đam mê sáng tác thơ, viết báo
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của chính ủy, Lê Nguyên lao vào công việc chuẩn bị về nhân sự, anh được hai họa sĩ cộng tác rất ăn ý: họa sĩ Huy Toàn, phụ trách phần thể hiện, in ấn; họa sĩ Nguyễn Thu, phụ trách trình bày và mỹ thuật. Làm báo trong thời điểm đó vô cùng khó khăn nhưng tờ báo vẫn phát hành đều đặn một tuần một số. “Vừa là phóng viên, vừa được là phái viên của Sư đoàn, tôi đề nghị cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên có nhiệm vụ viết bài. Tất cả công đoạn của làm báo từ gom bài, viết bài, biên tập đều thực hiện dưới chiến hào và Sư đoàn 312 còn giao hẳn cho một tiểu đội việc phát hành báo đến tận từng đơn vị. Hiện 3 số báo Anh Dũng được phát hành vào thời điểm 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn được lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng”. Lê Nguyên cho biết. Vào một đêm đầu mùa đông rét ngọn năm 1953, đội quân của báo Anh Dũng trong đội hình hành tiến của đại đoàn 312 ngoài vũ khí cá nhân còn lỉnh kỉnh dụng cụ in ấn, giấy dò do những cô gái dân công Phú Thọ gánh gồng mang vác. Khi thế trận của đoàn 312 cùng với các đại đoàn bạn đã vây chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cũng là lúc tòa soạn báo Anh Dũng ổn định xong vị trí chiến đấu bên cạnh Phòng tham mưu Bộ tư lệnh. Đó là căn hầm 8m2 sâu dưới lòng đất 2m, có thể chống đỡ được súng xung kích của các loại bom và đại bác địch dội tới. “Tổng biên tập” phóng viên Lê Nguyên thì luồn lách qua các hào trục phía tây bắc tập đoàn cứ điểm, nơi các phân đội xung kích của đại đoàn đang chiếm lĩnh, lấy tư liệu, tin tức viết bài.
Bên cạnh những bài báo mang đậm hơi thở của cuộc chiến, báo Anh Dũng còn đăng thư của những người mẹ, người vợ trẻ từ hậu phương xa xôi gởi cho chồng con chiến đấu ở tiền tuyến Điện Biên Phủ. Đó là câu chuyện,những tình cảm nặng sâu của cuộc sống quê nhà thiếu vắng người chồng, người con. Những bức thư được đăng lên báo có tác dụng rất lớn, theo lời Lê Nguyên “còn hơn cá những lời động viên của cán bộ với chiến sĩ”. Trong thời gian đó, Lê Nguyên còn tranh thủ học lớp văn quân. Sau đó, ông tốt nghiệp khóa biên kịch phê bình phim trường Điện Ảnh Việt Nam khóa 1 (1962 – 1964), ông viết 20 kịch bản phim, được giải Bông Sen bạc.
Trong trái tim của những người lính bao giờ cũng ấp ủ niềm tin “sắp đến ngày giải phóng”, nhưng ngày ấy chưa đến thì những người đồng chí của ông đã ngã xuống nơi núi rừng lạnh lẽo. Ông nói, ông là người may mắn được sống và tận mắt nhìn thấy niềm vui của nhân dân khi cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam tung bay phấp phới trên dinh Độc Lập. Sau giải phóng, Lê Nguyên về làm cho tòa soạn báo Văn Nghệ Quân Đội. Ông hoạt động nhiều lĩnh vực, một quãng đời cống hiến cho xã hội, ông được tặng 4 huân chương chiến thắng, chiến công, chiến sĩ vẻ vang, kháng chiến chống Mỹ và huy hiệu 50 năm tuổi Đảng – Bằng khen của Bộ Văn Hóa – Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho chùm thơ 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Giờ đã bước vào “tuổi xưa nay hiếm”, vầng trán cao đã nhiều nếp nhăn, mỗi bước chân đi đã nặng dấu vết thời gian nhưng khi nhắc lại thời làm báo chiến tranh, trong mắt ông như có lửa. Ngọn lửa của người lính, của người làm báo chẳng bao giờ tắt.