CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Theo chân thợ "phá xác nhà"

Theo chân thợ "phá xác nhà" - Ảnh 1.

Lao động tự do tại TP Hà Tĩnh

Việc nặng thì dễ tìm

Trái với những ngôi nhà nằm bám ngoài đường trục, những ngôi nhà nằm lọt sâu vào trong ngõ hẻm mỗi khi chủ nhà muốn tu sửa lại gặp nhiều khó khăn vì xe cộ máy móc không vào được. Họ đành phải thuê thợ để về phá dỡ.

Có mặt tại một công trình, PV báo Dân sinh ghi nhận: Dưới thời tiết oi bức, nắng nóng lên đến 38,39 độ C, chứng kiến những nhát búa ầm ầm, những mũi khoan inh tai, xen lẫn trong làn bụi mịt mù... chính là bóng dáng của những người làm nghề "ăn xác nhà". Họ đứng chênh vênh trên giàn bê-tông vừa khoan vừa đập, trông mà rùng rợn, bởi chỉ một chút sơ sẩy là tai nạn lao động có thể xảy ra, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

Ông Nguyễn Văn Bảy trú xã Tân Lâm Hương chia sẻ về công việc: "Tôi làm nghề này cũng 10 năm nay. Phá nhà có 2 kiểu, kiểu phá nhà để xây mới và phá nhà để xây công trình khác. Phá nhà để xây mới thì phức tạp hơn vì mình phá như thế nào để tiện thu dọn đống vật liệu luôn, vì họ thuê trọn gói. Còn phá nhà phục vụ công trình khác thì chỉ hạ xác nhà xuống mình lấy các thỏi sắt bán kiếm lời còn việc thu dọn có người công trình hoặc khi đó máy móc đã vào được họ tự thu dọn".

Đang hì hục đập phá mảng bê tông trong tiết trời nóng như đổ lửa, ông Lê Văn Hùng quê xã Hộ Độ nói: "Công việc này không phải ai cũng làm được, nó cần có sức khỏe và phải biết tý về ngành xây dựng, vì lúc phá cũng cần đến chuyên môn, nên phá bức tường nào và phá như thế nào cho phù hợp kẻo nó đổ xuống ảnh hưởng nhà khác. Việc này cực vất vả nhưng trái lại tại TP. Hà Tĩnh đang dễ tìm việc vì ít người làm được".

Ông Bảy Lê ở TP. Hà Tĩnh cho hay, trước đây mỗi khi có nhu cầu phá dỡ nhà cũ, chủ thầu xây dựng đều thuê ông đến làm, trả tiền công theo ngày. Thấy nhu cầu này ngày càng nhiều, cách đây 5 năm, ông đứng ra thành lập một nhóm thợ gồm 5 người chuyên làm công việc phá dỡ công trình cũ. "Nghề này chẳng có trường lớp nào đào tạo, chỉ có nghề dạy nghề thôi. Nhìn tưởng dễ, nhưng nó cũng gặp nhiều khó khăn và bí quyết riêng trong nghề. Để tồn tại lâu dài thì phải học hỏi nhiều. Từ cách quan sát ngôi nhà để biết được nên đập phần nào trước cho an toàn, đỡ tốn sức, tốn công làm lâu thì thấy bình thường nhưng chưa biết thì nó cực lắm", ông Bảy đúc kết về nghề của mình.

Theo chân thợ "phá xác nhà" - Ảnh 2.

Lao động tự do tại TP Hà Tĩnh

Nguy hiểm rình rập

Giữa trưa tháng 6 chúng tôi tiếp cận một nhóm thợ chuyên phá nhà để thấu hiểu hơn về cái nghề mạt sức mà nguy hiểm này. Trưa gần đứng bóng trong những ngày hè nóng bức, tại một công trình cũ trên đường Hà huy Tập, TP.Hà Tĩnh, nhóm thợ của ông Bảy vẫn đang miệt mài làm việc, bất chấp nắng nóng gay gắt và bụi mù mịt.

Ông Bảy - người có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề phá dỡ công trình cũ chia sẻ: "Do cận ngày giao trả mặt bằng cho chủ nhà để xây dựng lại theo thiết kế kiểu mới nên chúng tôi phải làm việc khẩn trương. Nghề này luôn nằm trong số những nghề nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ là nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy trước khi bước vào phá dỡ nhà cũ, tôi phải quan sát kỹ lưỡng, hỏi gia chủ cặn kẽ lịch sử xây dựng, kết cấu công trình rồi mới bắt tay vào làm. Trong lúc làm việc, tôi phải giám sát chặt chẽ, nhắc nhở mọi người để tránh tai nạn xảy ra".

Nghề này thật sự nguy hiểm, bởi luôn phải thao tác trên cao, đối mặt với cột đè, tường đổ. Bên cạnh đó phải bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho những người ở nhà liền kề và môi trường xung quanh. Đã không ít người làm công việc phá dỡ nhà cũ phải bỏ nghề vì tai nạn xảy ra. Trong quá trình làm việc, chúng tôi luôn lấy các vụ tai nạn đã xảy ra để nhắc nhở mình làm việc cẩn thận hơn – Ông Bảy cho biết thêm.

Không đâu xa hồi tháng 6/2019, trong lúc phá dỡ nhà cũ trên đường Hà Tôn Mục, TP. Hà Tĩnh đã xảy ra tai nạn lao động khiến một người tử vong. Nguyên nhân được xác định là phá dỡ không đúng cách. Nghề phá dỡ công trình cũ cực nhọc và nguy hiểm vì nghề này không có quy mô nên máy móc yếu kém…

Ngoài ra những người hành nghề xuất phát từ nông thôn nên việc tiếp cận báo đài để hiểu về an toàn lao động còn hạn chế. Từ đó họ ít trang bị đồ bảo hộ lao động chuyên dụng mà chỉ tự trang bị giày vải, găng tay vải đơn thuần theo kiểu làm nông.


DOÃN ĐẠT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh