THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:37

Thầy thuốc nhân dân “phải lòng” nghề viết

Nhân văn là gốc rễ

Từ những ngày gian khó, âm thầm nhảy xe buýt đi tìm kiếm đề tài viết báo, bao nhiêu hiện thực đa chiều ùa vào tâm thức. Có những chuyến xe, hành khách lao xao kể đủ thứ chuyện, chuyện về người này ganh ghét, tị hiềm chơi xấu người kia, chuyện ông nọ bày mưu xô ngã ông khác, chuyện về cúi luồn, lạy lục, lừa đảo. Trở về từ những chuyến đi ấy, bao giờ tôi cũng tìm đọc những trang viết của các nhà báo, nhà thơ giàu lòng nhân ái mà mình yêu thích, có người gặp đã nhiều thành thân, có người mới chỉ biết qua trang viết.

Và, những dòng chữ: “Có một quê hương trong đĩa rau má luộc/ Tháng năm nghèo tôm cá cũng bặt tăm/ Có một quê hương trong mùi rơm dạ/ Những đêm đông ấm chỗ mẹ nhường nằm/ Có một quê hương trong lời em hát/ Nhắc kẻ đi xa nhớ ngọn tre làng/ Có một quê hương trong mùi nhang thơm ngát/ Khói bay chỉ một lối đi về…” của nhà báo, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn neo vào lòng mình lúc nào không hay. Những con chữ ấy góp phần bền giữ trong tôi và nhiều nhà báo trẻ khác ý nghĩ luôn đi đúng đường, không được làm bất cứ điều gì sai trái bởi phía sau lưng mình là người thân, gia đình và những người mình yêu quý.

Rồi, cơ duyên cũng khiến tôi được gặp nhà thơ Trần Sĩ Tuấn. Nhẹ nhàng, ít nói về mình, nặng lòng với nghề viết, nghề y nhưng ở Trần Sĩ Tuấn luôn toát lên sức mạnh của sự phản kháng dữ dội. Đó là sự phản kháng trước những cái xấu, cái sai trái xâm lấn cuộc sống, xâm lấn xã hội. Cái xấu xa, tồi tệ ở thời điểm nào đó có thể tạm thời chiến thắng cái tốt nhưng cuối cùng cũng phải bị trừng phạt, bị sụp đổ, niềm tin về sự chiến thắng của cái cao đẹp vẫn là sợi chỉ xuyên suốt. Với ông, nhân văn, bác ái luôn là gốc rễ của nghề viết.


                                   Thầy thuốc nhân dân, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn (áo trắng ở giữa cùng đồng nghiệp)

Tâm thế và nghĩ suy ấy được Trần Sĩ Tuấn phần nào chuyển tải trên báo Sức khỏe và Đời sống-Nơi ông gắn bó và giữ trọng trách chèo lái suốt nhiều năm qua. Hàng loạt phóng sự, bài suy ngẫm, bài viết về y học…như mạch nước mát trong thấm đẫm vào lòng bạn đọc từ đó khơi dậy hoặc khởi nguồn cho những đổi thay tích cực.

Nhà báo, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn từng tâm sự với bạn đọc những lời như rút từ đáy sâu gan ruột của mình rằng; tuổi thơ ở Thanh Hóa, từng công tác ở một số bệnh viện phía Nam. Có thời điểm tất bật vừa khám bệnh vừa làm báo. Vì quá yêu nghề báo nên dành tất cả sức lực, tâm huyết cho cả nghề y lẫn nghề báo. Với tâm huyết ấy, ngay từ những bài viết đầu tiên của mình, nhà báo, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng sâu sắc lẫn niềm thán phục.

Nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Đức Phước (GĐ Trung tâm y tế Trảng Bom, Đồng Nai) từng nhiều lần chia sẻ với tôi rằng: "Chính những bài viết của Trần Sĩ Tuấn đã thổi bùng lên tinh thần nhân văn trong lòng bạn đọc, nhất là những bạn đọc trong ngành y tế. Để từ đó mỗi người tự thúc giục mình làm tốt hơn công việc chuyên môn, tận tụy chăm sóc người bệnh và hướng đến điều cao cả".

Lặng thầm “thắp lửa”

Từ tấm bé tôi được cha mình gim vào ký ức ý niệm rằng: Hãy lặng lẽ quan sát để tìm điều ẩn chứa trong những nhân vật mình yêu mến và tiếp xúc. Và, nhiều lần dù giữa ồn ã hay lặng thầm tôi vẫn đọc được từ tận sâu trong mắt của nhà thơ, nhà báo Trần Sĩ Tuấn nỗi trăn trở với thân phận con người, nhất là những người nghèo, những người ngã xuống vì bình yên đất nước.

Sau bao giờ nhọc nhằn, tỉ mẩn với những trang báo, nhiều vấn đề trăn trở trong cuộc sống còn được Trần Sĩ Tuấn trút ra thành những vần thơ lay động người đọc. Với Trần Sĩ Tuấn, thơ như một cách trải lòng mình và nói hộ tâm tình bao người khác.

                                          Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn (bên trái) tặng quà cho bệnh nhân nghèo

Khó ai có thể kìm được nỗi niềm rưng rưng trước những câu thơ cô đọng mà tràn đầy tính nhân văn, xúc cảm và thẳm sâu day dứt như: “Trong mưa phùn gió bấc/ Chị có lạnh lắm không/ Mười nén nhang em thắp/ Thương chị nhang không tắt/ Mười bông hoa huệ trắng/ Lặng lẽ tươi trong bình/ Thương chị hoa không héo/Thơm một vùng tâm linh…(Chiều ngã ba Đồng Lộc); Hay: “Bà mẹ nghèo run rẩy nắm tay tôi/Xin bác sĩ hãy cứu nhân độ thế/Nghe mẹ nói mà đau như thể/Một cái gì nấc nghẹn tim tôi/ Bởi biết rằng không thể…mẹ ơi/ Trước căn bệnh hiểm ngèo, không làm sao cứu nổi/ Dẫu biết vậy, tôi vẫn thấy mình dường như có lỗi/ Trước nỗi lòng của mẹ thương con…Chiếc áo choàng nhẹ nhõm đến nhường kia/Mà có lúc tưởng chừng không mang nổi/Khi không xoa dịu được nỗi đau của mẹ/ Cùng nỗi đau không cứu được người”-(Trước nỗi đau của mẹ).

Theo dòng chảy của thời gian, tiếp nhận mạch đập cuộc sống, sau mấy chục năm gắn bó với nghề viết, nhà thơ, nhà báo, Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn đúc rút, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Có những câu nói ngắn mà như bài học dài. Trên cương vị Tổng biên tập, từ cách đặt tít đến cung cách tác nghệp của phóng viên được ông nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, thúc đẩy người tiếp nhận phải tư duy để dần hoàn thiện bản thân. Giữ vững tâm mình là cách tránh mọi vấp ngã. Ở báo Sức khỏe và Đời sống, ông như người lặng thầm “thắp lửa” cho các thế hệ đi sau.

Đi, sống, làm việc ở nhiều vùng miền dọc dài đất nước, thầy thuốc, nhà báo Trần Sĩ Tuấn trào dâng xúc cảm nhân văn trước nhiều tình cảnh éo le. Từ đó ông nảy ra sáng kiến thường xuyên tổ chức chương trình “Nồi cháo tình thương” mang những bữa ăn đậm sâu nghĩa tình đến bệnh nhận nghèo đồng thời ông cũng thường xuyên thay mặt báo Sức khỏe và Đời sống trao những phần học bổng đến học sinh miền khó.

Cháy bỏng đam mê nghề viết, khát vọng tìm ra những nét đẹp lấp lánh, những tấm gương cao đẹp giữa cuộc sống bộn bề, Trần Sĩ Tuấn còn đề xuất và tích cực tổ chức Cuộc thi viết và giao lưu thường niên “Sự hy sinh thầm lặng”. Như ông khẳng định; Cuộc thi viết về những tấm gương y đức nhưng không đơn giản là tuyên truyền mà là đi sâu vào những số phận, miêu tả những con người cao quý với tất cả những cung bậc của đời thường. Qua cuộc thi đã phát hiện và tôn vinh được nhiều nguyên mẫu rất cảm động. Là những bác sĩ sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình để hàng chục năm gắn bó, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao hẻo lánh hay nơi đảo nhỏ xa xôi. Là những trí thức, nhà khoa học chấp nhận sự thua thiệt về mình để phấn đấu cho mục đích lớn nhất là đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho đồng loại. Là những bác sĩ chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt - bệnh nhân tâm thần, phạm nhân mắc HIV…Đi cùng những lặng thầm, những hăng say, những dũng cảm…, ngành y cần lắm sự đồng hành sẻ chia của người bệnh, của nhân dân. Mỗi sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, của xã hội là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm không quản vất vả, nguy hiểm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng chăm lo cho sức khỏe nhân dân. 

Trang viết phản ánh tác giả, trường hợp này đúng với nhà thơ, nhà báo, Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn. Với ông, trong tâm thế của một người cầm bút giàu nhân văn, lòng bác ái thì những hào quang luôn nằm sau sự trăn trở với nghề, với cuộc sống.

HÀ VĂN ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh