THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:24

Nhà báo Mỹ Trà: Dành trọn tình yêu cho biển đảo

 

Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà tại Trường Sa.

 

Mang Trường Sa đến với đất liền bằng cách riêng, độc đáo

Vinh dự được 2 lần ra Trường Sa tác nghiệp, bộ ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến”  của Mỹ Trà được hình thành như một trích đoạn ghi chép bằng hình ảnh những cảm xúc chân thành của chị về những khoảnh khắc Trường Sa, đưa đến những góc nhìn ấn tượng về Tổ quốc nơi đầu sóng và mở ra một hành trình lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương. Mỹ Trà chia sẻ: “Tôi đã mang theo cơ hội của biết bao người muốn ra Trường Sa mà không được, cho nên tôi đã tranh thủ từng khoảnh khắc, kể cả lúc mình đang say sóng, để ghi lại tất cả những gì mình nhìn thấy”. Theo Mỹ Trà, những người đi Trường Sa ở Hà Nội khá đông, và chị tin rằng khi trở về mỗi người đều cảm thấy cần làm một cái gì đó cho Trường Sa, vì Trường Sa. Chính vì vậy những sự kiện chị đã làm là cách độc đáo mà chị mang Trường Sa đến Hà Nội. Đó là một triển lãm Trường Sa giữa Hà Nội, nhưng hóa ra Hà Nội không phải là điểm dừng duy nhất. Trường Sa của Mỹ Trà đã đến với TP. Hồ Chí Minh đã có trong hành lý trở về quê nhà của nhiều bạn quốc tế - là những bộ postcard in cả hai thứ tiếng Việt - Anh… Bộ ảnh đặc biệt của Mỹ Trà vẫn đang tiếp tục đời sống của nó, lần lượt đến với các trường học trên khắp cả nước. Và hiện đang triển lãm cố định cả năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô. Dự kiến sẽ trưng bày lâu dài, như một phần của Làng.

“Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ làm một cuộc triển lãm. Chưa bao giờ nghĩ sẽ đi khắp các trường để nói về tình yêu Trường Sa hoặc chia sẻ ảnh Trường Sa, rồi ra một cuốn sách ảnh về Trường Sa... Thú thực, lúc đầu tôi chỉ nghĩ được ra đảo đã là hạnh phúc nên chụp rất nhiều ảnh và trân trọng từng khoảnh khắc. Từ những bức ảnh, những tấm hình được chia sẻ ấy, mọi người đều yêu quý và hùn lại giúp tôi làm triển lãm và tôi đã làm được. Rồi niềm vui, hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi cuốn sách ra đời, và tình yêu Trường Sa trong tôi đã được lan tỏa tới mọi người...” Mỹ Trà nói giản dị như thế về việc “bỗng dưng” có triển lãm, có sách và mỗi sự kiện của chị đều trở thành một diễn đàn của những người yêu Trường Sa.

 

Cô và trò trong chùa Trường Sa.

 

Mỹ Trà là nữ tác giả đầu tiên ra mắt sách về Trường Sa, đó là hành trình của người con đất liền sau bao năm mong chờ, cuối cùng cũng đã được lên tàu, hướng về phía quần đảo Trường Sa. Sau những cơn say sóng tưởng như “chết đi sống lại” thì ngỡ ngàng và rồi tràn đầy cảm xúc trước vẻ đẹp biển đảo quê hương qua những thời khắc quý giá mà mình được trải nghiệm tại Trường Sa: Một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, tiếng ê a lớp học bên bờ sóng xen lẫn tiếng chuông chùa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, những cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Bên cạnh đó là sự cảm phục trước cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính, là sự biết ơn và tiếc thương về những người anh hùng đã ngã xuống để giữ đảo.

Hải trình tràn ngập yêu thương

Nói về quá trình tác nghiệp trong hai chuyến đến với Trường Sa, nhà báo Mỹ Trà cho biết, ở Trường Sa, chỉ để chụp được khoảnh khắc hoa bàng vuông nở về đêm, rất nhiều người khi lên các đảo đã phải chia nhau ra tìm giúp chị. “Vào những khoảnh khắc cuối cùng khi tôi đã trở về tàu chuẩn bị rời đảo thì chị Lan Hương gọi, báo đã tìm thấy một bông hoa đang nở. Hoa ở tít trên cao, đảo về đêm tối om, cả chục anh chị đã đồng loạt bật đèn điện thoại để soi cho tôi bắc ghế tác nghiệp. Bức ảnh chưa phải là một tác phẩm tuyệt vời do bối cảnh khó, ánh sáng khó… nhưng đó là bức ảnh ấm áp nhất mà tôi có trong đời”, Mỹ Trà kể.

Kể về chuyến đi Trường Sa, Mỹ Trà cho biết đó là chuyến đi vô cùng đáng nhớ đối với chị, mỗi khoảnh khắc chị ghi lại được đều là những hình ảnh vô giá: Một chiếc cầu vồng sau cơn mưa bay qua đỉnh ngọn hải đăng nối liền con tàu với đảo, một chú chó nằm dài trên mép đảo nhìn về phía chân trời, một nụ cười cương trực lấp lánh trên khuôn mặt sạm đen của người chiến sĩ, một ánh nhìn vời vợi về phía chân mây, nơi đó là đất liền, phút giây bình yên của người lính đảo bên bạn gái… Và không thể thiếu những khuôn mặt, những nụ cười trẻ thơ như khẳng định về một sức sống mãnh liệt và tươi xanh trên vùng đất máu thịt của Tổ quốc. Cho đến bây giờ, những ký ức ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nữ tác giả. Chị chia sẻ “Trường Sa - Nơi ta đến” không phải là cuốn sách đọc nhanh, và mặc dù là sách ảnh nhưng lại có rất nhiều chữ. Đó là tất cả những gì tôi biết được về Trường Sa và muốn chia sẻ cùng những người chưa có cơ hội đặt chân lên quần đảo này”.

 

 

 

Hình ảnh Trường Sa dưới ống kính của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà.

 

Tiếp tục lan tỏa tình yêu biển đảo

Không dừng lại ở triển lãm, ra sách, nhà báo Mỹ Trà còn tổ chức các chuyến kết nối Trường Sa với đất liền.Thông qua câu chuyện về hoàn cảnh của một người lính Trường Sa đang có vợ bị ung thư, chị đã nhờ một số bác sĩ quen đến giúp chữa trị.

Từ kết nối của Mỹ Trà, nhóm bác sĩ đã chữa trị thành công cho người vợ của chiến sĩ Trường Sa đồng thời xúc tiến thành lập CLB chuyên chăm sóc cho hậu phương của người lính bảo vệ biển đảo. Cũng thông qua Quỹ vì Trường Sa, chị tổ chức bán đấu giá chiếc tàu ngầm mô hình - Kỷ vật chị được tặng sau chuyến đi Trường Sa được 50 triệu đồng để ủng hộ Quỹ Vì Trường Sa. Ngoài ra, Mỹ Trà còn vận động bạn bè ủng hộ được 130 triệu đồng dành cho quỹ, tổ chức vận động bạn bè tặng quà Tết, máy lọc nước mini và tủ cấp đông cho Trường Sa... “Trường Sa mang đến cho tôi hạnh phúc, niềm tin trong cuộc sống. Bạn bè tôi cũng vậy, họ tin tưởng tôi và gửi tặng những món quà đến Trường Sa, có thể một hoặc nhiều người tự gom lại với nhau để mua một chiếc tủ cấp đông, bình lọc nước... Khi nhận, tôi đều ghi cẩn thận tên người tặng rồi gửi ra Trường Sa, chứ không ghi là “Bạn bè của Trà tặng”. Tôi rất cảm ơn mọi người đã ủng hộ để tôi có cơ hội lan tỏa cái tốt, tạo cảm hứng sống, tình yêu Trường Sa tới tất cả mọi người...”, nhà báo Mỹ Trà nhấn mạnh.

Nói về dự định sắp tới, Mỹ Trà cho biết, khoảng cuối năm nay sẽ có một chuyến ra đảo. Chị mong muốn chuyến đi này sẽ được gần gũi với lính đảo hơn và làm một cuốn sách mới mang tên “Cuộc sống nơi đầu sóng”. Cuốn sách này sẽ có tâm tư một chút, nghệ thuật và trìu tượng hơn, đó có thể là những ngày cuối năm của người lính đảo, nơi đây người lính và người dân ăn Tết như thế nào, họ gói bánh chưng, chuẩn bị Tết ra sao... và Mỹ Trà tin chuyến đi này chị sẽ có thời gian để làm với những góc máy được đầu tư kỹ hơn. Bởi với chị, càng ra đảo càng cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn và sâu sắc hơn. Chị biết bên mình luôn có những tấm lòng yêu mến Trường Sa, sẵn sàng chung tay cùng chị lan tỏa tình yêu với Trường Sa.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh