Thắp sáng ước mơ trên bản làng người H’mông
- Dược liệu
- 23:16 - 27/03/2018
Gian nan gieo từng con chữ
Bản Háng Đồng C hiện là một trong hai bản khó khăn nhất của cả tỉnh Sơn La chứ không chỉ riêng của huyện Bắc Yên, nên điều kiện kinh tế xã hội tại đây vô cùng khó khăn. Trong lần trở lại bản Háng Đồng C này, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây chưa có nhiều đổi khác.
Vẫn là những con đường đất vượt qua dốc núi, xuyên qua rừng già nên việc đi lại chủ yếu vẫn là đi bộ. Nếu đi xe máy thì phải cuốn xích vào bánh xe, nhưng cực kỳ vất vả và nguy hiểm vì đường không phải dành cho xe máy. Giao thông đi lại khó khăn, kinh tế vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp, khiến cái nghèo cái đói bao đời vẫn bám chặt lấy người dân nơi đây.
Các thầy cô giáo trẻ cắm bản
Men theo những cánh rừng già cùng những thân cây cao ngút, hai bên đường là tiếng suối chảy róc rách, qua khu vực cửa rừng chúng tôi vô tình gặp được nhóm các thầy cô giáo đang ra khỏi bản. Hôm đó đúng vào ngày thứ sáu các thầy cô tại điểm trường Háng Đồng C lại khăn gói trở về thị trấn sau một tuần cắm bản.
Địa lý cách trở, đời sống khó khăn nên trong nhiều năm điểm trường Háng Đồng C không thể hoạt động do không có thầy cô cắm bản. Chỉ đến cuối năm 2017 điểm trường này mới có đoàn thầy cô giáo trẻ tình nguyện lên giảng dạy cho các em nhỏ. Thầy giáo Thào A Câu cho biết “Cả bản Háng Đồng C mới chỉ gây dựng được hai lớp học cho các em mẫu giáo và lớp 1 với khoảng 30 em. Còn các lớp lớn hơn các em phải ra trung tâm xã để tiếp tục theo học. Chúng tôi mới chỉ lên cắm bản cách đây vài tháng, điều kiện trên bản còn thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi vẫn đang phải khắc phục dần”.
Hỏi ra mới biết họ là những thầy giáo, cô giáo trẻ người dân tộc H’ Mông, Thái ở thị trấn Bắc Yên tình nguyện lên đây gây dựng lại điểm trường. Và để khắc phục cuộc sống khó khăn, trên đường ra khỏi bản các thầy cô giáo phải lượm nhặt những nhành lan rừng mang ra thị trấn bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm. Đến cuối tuần họ trở lại bản bắt đầu công việc gieo những con chữ trên mảnh đất vùng cao gian khó này này.
Những bước chân không biết mệt mỏi
Sáng sớm ngày chủ nhật, khi mà ánh mặt trời còn chưa hé rạng, làn sương mù vẫn phủ kín những cánh rừng tại bản Háng Đồng C. Từng tốp từ 3 đến 4 em nhỏ trong bản đã bắt đầu rục rịch khoác trên vai những chiếc túi nhỏ rời bản đến các điểm trường tại trung tâm xã để học văn hóa. Trong đó có 4 anh em Mùa A Phư, Mùa Su, Mùa A Thái, Mị những em nhỏ mà chúng tôi có cơ hội theo chân trong suốt cuộc hành trình này.
Các em nhỏ của bản Háng Đồng C đi bộ hàng chục km đường rừng để đến trường
Tuần nào cũng vậy các em chỉ học ngoài xã đến thứ 6, rồi đi bộ trở về bản giúp đỡ gia đình việc nương rẫy. Đến ngày chủ nhật lại quay trở lại trường. Trường học gần nhất cũng cách bản gần 30km. Quãng đường toàn đất đá rất khó đi, phải xuyên qua rừng già, khu rừng bảo tồn có nhiều cây to, chưa kể những ngày mưa ngày gió, lũ lũy về vô cùng nguy hiểm.
Hành trang đến trường của các em cũng chẳng có gì ngoài một chiếc túi nhỏ, đôi dép tổ ong, một manh áo mỏng không che nổi cái giá lạnh của rừng núi đang khiến các em sụt sịt nước mũi. Suốt nửa ngày đường đi bộ không một miếng cơm, không một miếng bánh, thứ giúp các em cầm hơi chỉ là những ngụm nước suối. Đó là một hành trình không tưởng của những em nhỏ mới lên 8-9 tuổi, khiến chúng tôi cũng cảm thấy nao lòng khi được chứng kiến tận mắt.
Hành trình gian nan đi tìm con chữ
Những đối chân thoăn thoát ấy vẫn hàng tuần sải bước trên còn đường rừng đi tìm những con chữ. Khi được chúng tôi hỏi Mùa A Phư (10 tuổi) em nhỏ lớn tuổi nhất trong đoàn cho biết: ” Chúng cháu thích đi học hơn ở nhà đi rừng, đi học có bạn bè, thầy cô và được học chữ”. Những khi được hỏi em sẽ học đến lớp mấy, đôi mắt A Phư bỗng nhiên trùng lại em trả lời “ Chỉ học đến hết lớp 9 thôi là lại về bản đi rừng thôi”. Hỏi ra mới biết gia đình A Phư có đến 7 anh em tuổi cũng rất sát nhau, Phư là con thứ 3 trong gia đình dưới em có 4 đứa em nữa, nên chắc chắn em chỉ có thể học hết lớp 9 rồi phải về phụ giúp gia đình. Cái nghèo cái khổ vẫn đang níu bước chân của những em nhỏ vùng cao này, nhưng tận sâu trong ánh mắt các em vẫn hiện lên khát khao được đến trường.
Tuy cuộc sống nơi đây còn nhiều vất vả và gian nan, những bằng sự quan tâm của xã hội, sự nỗ lực những thầy cô giáo và các em học sinh, chúng ta vẫn có quyền hy vọng trong tương lai gần cái đói cái nghèo sẽ không còn là cái vòng quẩn quanh những con người nơi đây.