THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:37

Sự tích Tết ông Công, ông Táo và mâm cỗ 23 tháng Chạp

Sự tích Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Sự tích Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị thất thế (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép lại như sau: 

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau. 

Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ. 

Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. Họ đang hàn huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi sợ chồng bắt gặp, bảo Trọng Cao vào trốn vào đống rơm. Phạm Lang về nhà cốt để lấy tro bón ruộng nên đã đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt nên bị chết cháy. Thị Nhi thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết. 

Cũng có tích khác: Sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm Lang vì thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết. 

Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc:

-Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.

-Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.

-Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.

Ngoài ra còn có tích, hai vợ chồng nghèo, chồng đi buôn, vợ làm ruộng nên chồng thường xa nhà, có khi đi suốt năm mới về. Rồi một chuyến người chồng đi biền biệt không tin tức, không tiền bạc gởi về. Người vợ chờ đến 10 năm vẫn biệt tích. Sau đó người vợ lấy một người chồng khác làm nghề săn bắn; người này nuôi một đầy tớ tên là Lốc.

Lễ cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp hàng năm

Một hôm chồng mới và đầy tớ đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bắt lưu lạc trong rừng, nay mới trốn thoát về được. Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than, và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa.

Trong khi người vợ đi vắng, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy thiêu người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy thế, rất đau đớn, tự cảm thấy vì mình mà chồng cũ chết, nên nhảy vào đống lửa chết theo.

Người chồng mới thương tiếc vợ, cũng đâm đầu vào lừa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo.

Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa làm đồ dùng chặn đống nhấm, quen gọi là "thằng Lốc". Trong tranh vẽ Táo quân, thường thấy vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng cạnh ba người.

Ý nghĩa Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Cả 3 tích truyện tuy có nhân vật hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là những nhân vật đều sống có nghĩa có tình. Người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích “Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà”. Như vậy, điều mà tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý, nhưng là cái tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau.

Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Ngoài ra, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay Ông Trời). Vì Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Đến trưa 30 Tết thì ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Hàng năm, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo, người dân Việt Nam làm lễ cúng rất trang trọng. Các gia đình thường dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo được chuẩn bị tùy từng gia cảnh mà có nhà làm làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo Quân.

Thông thường, mâm cỗ cúng Táo Quân khá cầy kỳ, bao giờ cũng có các món ăn và tiền vàng mã. Mâm cỗ cúng trong truyền thống bao gồm rất nhiều món.

Theo đó, một mâm cỗ mặn đầy đủ nhất thường có: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.

Ngày nay, các bà nội trợ thường không có đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ các món trên. Vì thế, các chị em có thể chuẩn bị những món hơi khác nhưng cũng vẫn giữ được tính truyền thống và bản sắc. Thay thịt vai luộc bằng một con gà luộc mỏ ngậm hoa hồng, hoặc chủ động thay đổi các món canh như canh măng, canh mọc, canh bóng... và một số các món khác như: bánh chưng gấc, xôi vò, xôi chè, thịt đông, nem rán, cá kho riềng, trám hoặc thịt kho tàu, giò xào, giò nạc, món xào, hành muối, gia vị mắm muối, trà, rượu, hoa , trầu cau,...

Khi cúng ông Táo, mâm cỗ cúng phải đặt trong bếp, hoặc cạnh bếp. Có nơi còn làm hai mâm cỗ, 1 mâm đặt trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ. Mâm cỗ đề huề tượng trưng cho sự no ấm quanh năm của cả gia đình.

tinmoi.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh