THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:23

Cần chủ động, đổi mới, sáng tạo hơn trong đào tạo, dạy nghề

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí yêu cầu cần tháo gỡ tồn tại để thúc đẩy Chiến lược Dạy nghề phát triển

Đó là phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí tại hội thảo “Đánh giá Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020 và dự án đổi mới phát triển dạy nghề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015, phương hướng giải pháp giai đoạn 2016-2020” do Tổng cục Dạy nghề tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 9/12.

Bước đột phá từ Chiến lược Dạy nghề

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH, các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề các tỉnh thành phía nam, với kỳ vọng sẽ góp nhiều ý kiến thực tiễn, qua đó thúc đẩy điều chỉnh công tác dạy nghề phát triển mạnh mẽ, chất lượng hơn trong giai đoạn tới. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2025 (QĐ 630/QĐ-TTg),Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề TS. Nguyễn Hồng Minh khẳng định: “ Trong 5 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chiến lược Dạy nghề. Qua đó, dạy nghề đã có bước đột phá mạnh tăng về quy mô cơ sở đào tạo, chất lượng và hiệu quả dạy nghề đã đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế. Triển khai QĐ 630/QĐ-TTg, Tổng cục Dạy nghề đã tham mưu giúp Bộ LĐ-TB&XH ban hành và trình Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ 120 văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị, chương trình, dự án… đảm bảo triển khai thực hiện các mục tiêu Chiến lược đề ra, tạo đà đổi mới toàn diện công tác dạy nghề….”

PGS.TS Dương Đức Lân, đề nghị các trường, cơ sở dạy nghề cần chủ động, sáng tạo hơn

Về những kết quả cụ thể sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: Tuyển sinh nghề đã đạt hơn 9,1 triệu người ( đạt 95,5% kế hoạch đề ra), trong đó cao đẳng và trung cấp nghề đạt hơn 1,1 triệu người, sơ cấp và dạy nghề phổ cập dưới 3 tháng đạt hơn 8 triệu người. Đáng chú ý, với trình độ sơ cấp và dạy nghề phổ cập đã thu hút 2,4 triệu lao động nông thôn theo học theo Đề án 1956. Tính chung, đến cuối năm 2015, trên cả nước lao động qua đào tạo nghề ở tất cả các trình độ từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề lao động nông thôn đạt gần 40%. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề đạt 25%, dạy nghề theo Đề án 1956 đạt 13,5%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề cả nước tăng 18,5% so với năm 2010, gần đạt chỉ tiêu đề ra ( đạt 96,2%).

Lao động nông thôn học nghề mây giang đan

Bên cạnh những thành tựu, theo ông Nguyễn Hồng Minh, vẫn còn một số chỉ tiêu của Chiến lược phát triển Dạy nghề chưa đạt mục tiêu đề ra. Đó là mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; việc thành lập 3 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề, phân luồng học nghề đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; cơ cấu đào tạo, trình độ đào tạo chưa hợp lý….

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy dạy nghề hiệu quả

Trao đổi về định hướng tháo gỡ những khó khăn tồn tại trong thực hiện Chiến lược phát triển Dạy nghề và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia đổi mới và phát triển dạy nghề, PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: “ Việc nhận định những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua có ý nghĩa quan trọng. Đó cũng là khâu đột phá để Chiến lược đi đúng hướng, với mục tiêu là cung cấp nhiều nhân lực phục vụ phát triển tăng tốc nền kinh tế khi cuối năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng chung ASEAN, và vừa ký nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới…”. Lãnh đạo ngành dạy nghề khẳng định, không chần chừ, chờ đợi, mà bản thân lãnh đạo các cơ sở dạy nghề cần sáng tạo nhiều hơn trong công tác đổi mới đầu tư trang thiết bị dạy nghề, đặc biệt trong công tác tuyển sinh. “ Đã đến lúc dạy nghề phải đi vào hiệu quả, thực chất, số lượng tuyển sinh các trường, cơ sở dạy nghề là thước đo chất lượng, uy tín của cơ sở dạy nghề. Từ năm 2016, sẽ không có chuyện dàn hàng ngang sử dụng vốn ngân sách để đầu tư trường, cơ sở dạy nghề mà không tính đến hiệu quả thực tiễn. Với 45 trường cao đẳng nghề được chọn đầu tư trọng điểm từ ngân sách nhà nước cũng vậy. Nếu không đáp ứng được như kế hoạch đề ra, sẽ có trường ra khỏi danh sách, để nhường trường có thể đáp ứng tốt vào thay…”-ông Dương Đức Lân nhấn mạnh.

Nghề hàn công nghiệp

Tại hội thảo, đại diện các trường, cơ sở dạy nghề đã thẳng thắn nêu những băn khoăn, điểm nghẽn trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Gò Công (Tiền Giang) đề xuất tháo gỡ việc quy định liên quan đến phân luồng trong học nghề, để học sinh vừa học nghề, vừa có thể học đủ các môn văn hóa của hệ phổ thông trung học. Ông Bùi Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề giao thông vận tải đường thủy II (Bộ GTVT) chuyên đào tạo nghề thuyền trưởng tầu pha sông biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: Hiện việc đào tạo chính quy thuyền trưởng hàng năm thu hút hơn 400 học viên, còn đào tạo bổ túc lại thu hút hơn 1000 học viên. Lý do, đào tạo chính quy cần 36 tháng +thực hành là hơn 5 năm, còn hệ bổ túc thời gian ngắn hơn, nên người học lựa chọn nhiều. “Các cơ sở vận tải thủy vẫn lựa chọn người học chính quy hơn bổ túc. Nhưng, hiện nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hơn 40% người điều khiển tầu thuyền vẫn chưa có bằng cấp. Đề nghị Tổng cục Dạy nghề và Bộ GTVT xem xét chấp nhận 2 phương thức này…”-ông Thiện đề xuất.

Học nghề điện lạnh

Trao đổi vấn đề này, PGS.TS Dương Đức Lân cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua, đã phân cấp, trao quyền chủ động việc đào tạo cho hiệu trưởng các trường nghề. Do vậy, cần sự chủ động của các trường, miễn là chất lượng đào tạo nhân lực phải đảm bảo . 

Tính đến hết năm 2015, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, gồm 190 trường cao đẳng nghề (trường ngoài công lập đạt 80%), 280 trường trung cấp nghề và 997 trung tâm dạy nghề cùng hơn 1000 cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp có tham gia dạy nghề, tăng 3,5% so với năm 2010. Hiện đã có 59/63 tỉnh thành có trường cao đẳng nghề, có 45 trường cao đẳng nghề được lựa chọn đầu tư thành trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo các nghề được các nước phát triển trong khu vực, quốc tế công nhận. Đã phê duyệt quy hoạch 26 nghề cấp độ quốc tế, 34 nghề cấp độ ASEAN, 100 nghề cấp độ quốc gia…

Thanh Phúc/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh