Thanh tra việc sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công trên toàn quốc
- Người có công
- 17:23 - 05/11/2020
Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành công văn số 4288/BLĐTBXH-TTr hướng dẫn những nội dung trọng tâm của công tác thanh tra năm 2021. Theo đó, công tác thanh tra năm 2021 của Bộ này sẽ tập trung chủ yếu vào 8 lĩnh vực gồm: Lao động; người có công; trẻ em; giảm nghèo; người nước ngoài làm việc tại địa phương; bảo hiểm xã hội; giáo dục nghề nghiệp; các lĩnh vực khác.
Cụ thể, lĩnh vực lao động sẽ thực hiện chiến dịch thanh tra trong ngành xây dựng với trọng tâm là thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng, nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Đối với lĩnh vực người có công, tiếp tục thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng trong phạm vi toàn quốc. Theo đó, đảm bảo đến hết năm 2021, toàn bộ hồ sơ đối tượng này được kiểm tra, rà soát và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Lĩnh vực trẻ em, thanh tra ngành sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung thanh tra việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Trong lĩnh vực giảm nghèo, tiếp tục thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo đến hết năm 2022, 100% số hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương được thanh tra.
Lĩnh vực người nước ngoài làm việc tại địa phương sẽ tập trung thanh tra việc quản lý chính xác số lượng, tình hình hoạt động của người nước ngoài làm việc tại địa phương, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với các cơ quan bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Trong đó, chú trọng thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, số tiền nợ bảo hiểm xã hội lớn.
Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó trọng tâm là thanh tra việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm.
Các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ lựa chọn những vấn đề, nội dung đang gây bức xúc, được dư luận quan tâm để xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021 cho phù hợp.
Về công tác giám sát, xử lý sau thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ thực hiện giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, đảm bảo các cuộc thanh tra đều được giám sát theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, 3 kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, kết luận thanh tra.