THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:47

Thanh tra Bảo hiểm xã hội: Đảm bảo quyền lợi của người lao động

 

Theo BHXH Việt Nam, ngay khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan BHXH.

Trên cơ sở Nghị định 21/2016, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam; ban hành Quyết định số 102/QĐ-BHXH ngày 12/1/2017 quy định cấp, quản lý, sử dụng thẻ và trang phục của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Đến thời điểm hiện tại, toàn ngành BHXH có hơn 1.000 công chức, viên chức đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; 166 công chức được cấp chứng chỉ thanh tra viên; 137 công chức, viên chức được bồi dưỡng nghiệp vụ Trưởng đoàn thanh tra đủ các điều kiện để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Đặc biệt, để kịp thời chỉ đạo hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong năm 2016, BHXH Việt Nam và Thanh tra Chính phủ đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên cho 70 công chức, lãnh đạo quản lý ở BHXH Việt Nam và Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.  Đến nay, về cơ bản gần 100% cán bộ thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam đã được đào tạo, bồi dưỡng (có chứng chỉ) nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành do Trường Cán bộ thanh tra cấp, đủ điều kiện thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

 

Ảnh minh họa

 

Cũng theo BHXH Việt Nam, công tác thanh tra chuyên ngành BHXH đã đạt được những kết quả bước đầu. Theo đó, ngay khi Nghị định số 21/2016 có hiệu lực thi hành (từ 1/6/2016), BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện chức năng thanh tra. BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành 6 cuộc, trong đó phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ triển khai thí điểm hai đợt thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Qua công tác thanh tra, đã phát hiện hàng nghìn lao động chưa tham gia BHXH, đóng BHXH thiếu mức đóng, thiếu thời gian; yêu cầu truy thu hàng tỷ đồng do đóng thiếu so với quy định. Chỉ riêng 2 đợt thanh tra chuyên ngành thí điểm, sau thanh tra đã có 7/15 đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp đã nộp về cơ quan BHXH 18,5 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tại các địa phương, cơ quan BHXH đã tiến thanh tra chuyên ngành tại 1.135 đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và đề nghị truy thu, thu hồi với tổng số tiền 69,6 tỷ đồng; phát hiện 34.527 lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc; 1.425 lao động truy đóng không đúng quy định...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra chuyên ngành BHXH vẫn còn gặp nhiều khó khăn như một số địa phương vẫn chưa mạnh dạn triển khai bởi chức năng thanh tra chuyên ngành là nhiệm vụ hoàn toàn mới. Ngoài ra, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành với các ngành chức năng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Đa số các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành mới dừng ở việc phát hiện sai phạm, yêu cầu đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật chứ chưa mạnh dạn xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, theo quy định của Luật Thanh tra, trang phục (cầu vai, cấp hiệu) và thẻ thanh tra chuyên ngành chỉ cấp cho đội ngũ công chức; trong khi đó lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành của hệ thống BHXH Việt Nam chủ yếu là viên chức nên ngành BHXH gặp khó khăn không ít trong quá trình tổ chức thực hiện.

Để giải quyết vấn đề này, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các Bộ, Ngành và các cơ quan hữu quan để tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định quy định cấp, quản lý, sử dụng thẻ và trang phục của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

 BHXH Việt Nam đã được giao chức năng thanh tra chuyên ngành song mới chỉ dừng ở thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm tự nguyện, BHYT trong khi đó các nội dung chi trả, thực hiện chính sách mà đặc biệt là chi sử dụng quỹ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh đang là vấn đề nóng, nếu chỉ dừng ở kiểm tra thì hiệu lực rất thấp, không ngăn chặn, hạn chế được các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ như hiện nay.

Trong thời gian tới, thanh tra ngành BHXH sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam, hạn chế tối đa tình trạng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu, sớm trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn…

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội xem xét giao chức năng thanh tra chi, thanh tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh có ký Hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; xem xét quy định về việc người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để BHXH Việt Nam triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và Luật Thanh tra  năm 2010.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh