THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:22

Thanh Hóa xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ lao động về từ vùng dịch

Thông tin tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 330.000 lao động làm việc ngoại tỉnh, tập trung ở độ tuổi 15-35 tuổi (chiếm 65%) và lao động nữ chiếm trên 50%. Người lao động chủ yếu hành nghề tự do hoặc làm việc tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực: điện tử, may mặc, giày da v.v... tại các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội: 77.500 người, TP. Hồ Chí Minh: 43.200 người, Bình Dương: 48.000 người, Bắc Ninh: 25.000 người, Đồng Nai: 12.500 người). Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đời sống của hàng chục triệu lao động đã bị ảnh hưởng, dẫn đến một làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm về quê.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Từ cuối tháng 8/2021, dự báo tình hình lao động mất việc làm, trở về quê sẽ ngày càng tăng, tỉnh Thanh Hóa ban hành Phương án số 198/PA-UBND ngày 2/9/2021 về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Thanh Hóa trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành và triển khai thực hiện phương án.

Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có khoảng 205.000 người trở về từ vùng dịch, với gần 161.000 người trong độ tuổi lao động (khoảng 35% có giao kết hợp đồng lao động), trong số đó có 42.566 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề.

Từ Phương án số 198/PA-UBND ngày 2/9/2021 của UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH Thanh Hóa đã triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động hồi hương tìm kiếm việc làm. Đến nay đã tổ chức 08 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động trở về từ vùng dịch tại một số huyện miền núi; tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến cho trên 6.000 lượt lao động; phối hợp với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối trên 1.500 lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Người lao động đến giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa

Người lao động đến giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhìn chung, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản được phục hồi; đã có 1.300 doanh nghiệp đăng ký trở lại hoạt động, 2.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để phục hồi và phát triển sản xuất, với khoảng 35.000 người. Đến nay, đã có 34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh; trên 24.500 lao động trở lại làm việc ở tỉnh ngoài và hỗ trợ 346 dự án vay vốn giải quyết việc làm, năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa giải quyết việc làm mới cho trên 67.000 người, vượt 13,6% mục tiêu kế hoạch đề ra” – bà Hương cho biết.

Để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 hồi hương tìm kiếm việc làm, quay trở lại thị trường lao động, trong thời gian tới ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã xây dựng, đề xuất 5 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện. Thông tin về việc này, bà Hương cho biết thêm.

“Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo chính sách hỗ trợ được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người lao động, người sử dụng lao động từng bước vượt qua khó khăn, bước đầu ổn định đời sống, tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và tăng độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu, lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động trở về từ vùng dịch v.v… để duy trì sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường lao động”- bà Hương nói.

“Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt Phương án số 198/PA-UBND của UBND tỉnh về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly như tăng cường kết nối cung - cầu lao động thông qua các sàn giao dịch việc làm; cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để người lao động tiếp cận. Kết nối thông tin về thực trạng thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng và những chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp đối với người lao động khi quay trở lại làm việc. Hỗ trợ người lao động có nhu cầu ở lại địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và được tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, cây, con giống để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ...”- bà Hương nhấn mạnh.

“Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đào tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Thanh Hóa trên thị trường lao động. Sở LĐ-TBXH sẽ báo cáo đề xuất Bộ LĐ-TBXH xem xét phê duyệt các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phối hợp tham mưu lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ, hiện đại, đào tạo lao động đáp ứng phù hợp với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, bên cạnh trình độ, năng lực của bản thân, người lao động cần phải trang bị cho mình các kỹ năng làm việc, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, tuân thủ kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ. Người lao động, nhất là sinh viên các trường đại học và cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp và đề ra hướng phát triển phù hợp. Không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Có như vậy, mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân trên thị trường lao động hiện nay…”- bà Hương thông tin.

MỘC MIÊN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh