Chính sách giải quyết việc làm: Đảm bảo việc làm cho lao động hồi hương do dịch Covid-19
- Tây Y
- 17:06 - 08/12/2021
Tạo sinh kế cho lao động hồi hương
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số công nhân, lao động trở về từ các vùng dịch ở các tỉnh, thành trong cả nước có hơn 205.000 người, số người trong độ tuổi lao động trở về từ vùng dịch là 160.800 người (chiếm gần 80% trên tổng số công dân trở về quê).
Để hỗ trợ nhóm người này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa hồi hương từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Theo đó, người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm DVVL tỉnh cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 33.300 lao động, chủ yếu là lao động nữ, chiếm 70%. Nhu cầu cần lao động tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc cần tuyển dụng lao động, với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giày Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động); Công ty TNHH Giày ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động); Công ty TNHH MTV TCE JEAN (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giày SUNJADE (tuyển 1.500 lao động)… nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ đáp ứng khoảng 90%.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm đã và đang tư vấn, hỗ trợ cho người lao động tìm kiếm việc làm mới. Bằng nhiều hình thức: Tư vấn, kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên cơ sở việc làm, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và nguyện vọng của người lao động”.
Cùng với đó, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa cũng hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch được vay vốn để giải quyết việc làm, với mức 100 triệu đồng/người và không phải thế chấp tài sản, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Đối với người lao động thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay từ 100 triệu đồng trở lên, phải có phương án kinh doanh khả thi, có tài sản bảo đảm tiền vay.
Kể từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam (từ cuối tháng 4/2021), số lượng lao động từ vùng dịch trở về địa phương lớn, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, tạo ra nhiều áp lực cho chính quyền cơ sở trong công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết việc làm; nhiều người lao động còn tâm lý e ngại, chưa ổn định về tư tưởng, tâm lý, chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường lao động do lo sợ dịch bệnh tiếp tục bùng phát.
Trong thời gian này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh do phát sinh nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng trong khi giá bán giảm;các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đều giảm, doanh thu giảm mạnh.Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong phạm vi cả nước, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại vẫn còn rất lớn. Nhu cầu nguồn lực dành cho công tác phòng chống dịch, thực hiện chế độ chính sách, bảo đảm an sinh xã hội... rất lớn, làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn về quê, đòi hỏi phải giải quyết việc làm, an sinh xã hội, gây áp lực, khó khăn cho ngân sách địa phương.
Ưu tiên nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho lao động về từ vùng dịch
Thực hiện phương án 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm, Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương rà soát, ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết việc làm cho các đối tượng nêu trên.
Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa thông tin: “Trong thời gian qua, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện rà soát, lập danh sách nhu cầu vay vốn của các lao động trở về từ vùng dịch để trình Trung ương bổ sung nguồn vốn, đồng thời cân đối thu nợ trong toàn tỉnh để ưu tiên giải ngân vốn. Ngành đã tham mưu cho tỉnh, UBND cấp huyện cân đối, bổ sung thêm nguồn ngân sách đảm bảo có đủ vốn giải ngân, đáp ứng các chương trình tín dụng an sinh xã hội; cử cán bộ hướng dẫn về quy trình, thủ tục cho vay để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn… Đến nay, NH CSXH đã cho 351 người lao động từ vùng dịch trở về Thanh Hóa vay số tiền 24.151 triệu đồng”.
Trong hàng ngàn lao động rời các tỉnh, thành phía Nam trở về Thanh Hóa tránh dịch, nhiều người đã quyết định ở lại quê nhà tìm kiếm việc làm. Gia đình anh Lê Văn Tám ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh là một trường hợp như thế. Anh Tám tâm sự: "Có thể gia đình tôi sẽ ở lại quê nhà vay vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp từ nuôi lươn giống, không vào Nam nữa. Dù chưa biết việc khởi nghiệp sẽ như thế nào nhưng quan trọng hơn là còn có xóm giềng, anh em, bạn bè khiến mình vững tin hơn".
Để triển khai hiệu quả phương án 198 của UBND tỉnh Thanh Hoá, giúp lao động ổn định việc làm và đời sống tại địa phương Ngân hàng CSXH huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) đã phối hợp với phòng LĐ-TB & XH huyện, các xã Thị trấn rà soát, lập danh sách nhu cầu vay vốn của các lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm để tham mưu cấp trên cân đối, bố trí nguồn vốn giải quyết cho vay kịp thời. Cử cán bộ hướng dẫn về quy trình, thủ tục cho vay để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Hiện Ngân hàng chính sách xã hội Lang Chánh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá Vũ Thị Hương cho biết: “Hiện nay, ngành LĐ-TB&XH cũng đang nắm bắt nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn, nhu cầu việc làm và học nghề của người lao động trở về từ vùng dịch để xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Trong năm 2021, Thanh Hoá đã quan tâm giải quyết việc làm và hỗ trợ người lao động trong tỉnh và lao động hồi hương. Ngay từ đầu năm đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động”.
“Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm cho gần 67.000 lao động, vượt kế hoạch (59.000 lao động), trong đó có gần 23.000 lao động là công dân Thanh Hóa trở về từ các địa phương sau khi thực hiện xong việc cách ly, giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 18.588 người, giảm 32,9%. Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, chưa phát sinh sai sót trong quá trình thực hiện” – bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.
Với những lao động vừa hồi hương giống như những con thuyền đang mất phương hướng sau bão. Việc tỉnh Thanh Hoá đưa ra phương án giải quyết việc làm cho họ lúc này vừa giúp ổn định trật tự xã hội, vừa cho thấy sự nhân văn trong chính sách an dân.
Trước những giải pháp thiết thực, cách làm linh hoạt của các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa, trong việc hỗ trợ công dân hồi hương có việc làm, ổn định cuộc sống tại quê nhà, không chỉ là chia sẻ khó khăn cho những địa phương vùng tâm dịch, còn thể hiện trách nhiệm với công dân là người địa phương, trách nhiệm ổn định xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Bài 3: Nhân văn trong chính sách an dân