Chính sách giải quyết việc làm: Thanh Hoá điểm sáng với chính sách giải quyết việc làm cho lao động hồi hương
- Tây Y
- 06:56 - 28/11/2021
Không muốn tiếp tục tha hương
Vừa trở về từ Bình Dương, hoàn thành thời gian cách ly theo quy định, anh Hà Văn Hiếu (dân tộc Thái, 30 tuổi, ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), vui mừng khi Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Hiếu mắc kẹt ở Bình Dương, gần 3 tháng không việc làm, chỉ quẩn quanh trong phòng trọ. Tiền hết, không biết bám víu vào đâu, anh đành đi xe máy vượt hơn ngàn cây số về quê. “Tôi dự tính sẽ làm hồ sơ xin việc làm tại tỉnh, vừa gần nhà, lại bảo đảm thu nhập. Hơn nữa tình dịch dịch bệnh tại tỉnh Thanh Hóa đang được kiểm soát chặt chẽ, nên tôi rất an tâm”, anh Hiếu nói.
Tương tự, chị Hà Thị Thái (dân tộc Thái, 28 tuổi, ở huyện Lang Chánh, Thanh Hoá), cũng vừa trở về từ tỉnh Đồng Nai. Làm công việc phục vụ trong một nhà hàng trong 4 năm, gặp đợt dịch bùng phát, chị Thái mất việc làm nên đành trở về quê.
“Sau khi hết thời gian cách ly, tôi đi tìm được việc làm mới. Giờ đây, ngành dịch vụ rất khó tìm việc, trong đợt này tôi sẽ đi làm công nhân cho một công ty nào đó trong tỉnh. Nghe nói, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương cũng đang rất lớn, có thể giải quyết nhu cầu việc làm và thu nhập trước mắt cho tôi”, chị Thái cho hay.
Không chỉ có anh Hiếu và chị Thái có mong muốn tìm việc làm và ổn định cuộc sống nơi quê nhà, mà qua khảo sát, tìm hiểu từ các địa phương, hầu hết lao động từ các tỉnh phía Nam khi trở về địa phương đều có mong muốn tìm việc làm tại quê nhà, hoặc ngay trong tỉnh.
Xa quê hơn 10 năm vào Bình Dương lập nghiệp, đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát đã khiến anh Vi Văn Định, thôn Chôi Trờn, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) mất việc làm nhiều tháng liền. Không còn tài chính để bám trụ lại nơi đất khách quê người, anh Định trở về quê hương với hai bàn tay trắng.
Hoàn thành thời gian cách ly tại địa phương, anh Định gặp không ít khó khăn do chưa tìm được việc làm mới. Trong lúc đang loay hoay giữa đi và ở lại quê hương lập nghiệp, anh được chính quyền địa phương tuyên truyền về chính sách cho người lao động trở về từ vùng dịch được tạo điều kiện vay vốn với mức lãi thấp. Nhận thấy điều kiện gia đình phù hợp để chăn nuôi, anh quyết định làm hồ sơ vay 100 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Xuân để phát triển chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả.
"Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đã được giải ngân nguồn vốn trong 1 tuần. Có tiền đầu tư, tôi quyết định mua bò sinh sản và trồng cây ăn quả. Đây thực sự là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, là “phao cứu sinh” giúp cho những lao động gặp khó ở vùng dịch trở về địa phương có điều kiện phát triển kinh tế…” - anh Vi Văn Định chia sẻ.
Ông Phùng Bá Hồng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Xuân, Thanh Hóa cho biết, người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm sẽ được vay vốn để giải quyết việc làm với mức với mức tối đa 100 triệu đồng/lao động, không phải thế chấp tài sản.Đây là phương án rất khả thi, góp phần tạo điều kiện cho lao động vùng dịch trở về địa phương có sinh kế phát triển kinh tế, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chọn đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), anh Đỗ Văn Hải cũng có được nguồn thu nhập ổn định, tuy nhiên 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến anh buộc phải trở về nước. Tháng 6/2021 anh trở về nước với ý định đầu tư mở xưởng sản xuất nước mắm, tuy nhiên số tiền tích góp lâu nay không đủ.
Được biết tỉnh có phương án cho lao động trở về từ vùng dịch vay vốn với lãi suất ưu đãi, anh đã làm hồ sơ và đã được giải ngân số tiền 70 triệu đồng. Được sự tạo điều kiện của Nhà nước cộng với số tiền vay mượn từ anh em, bạn bè, anh Hải đã mở một xưởng nhỏ thu mua cá và trực tiếp sản xuất nước mắm. Hiện cơ sở đã đi vào hoạt động và tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương.
"Nếu làm ăn thuận lợi, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đã tiếp sức cho người lao động chúng tôi có động lực ở lại quê hương lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống" - anh Hải cho biết thêm.
Chính sách kịp thời cho lao động hồi hương
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Hiện nay người lao động tại các tỉnh, thành phía Nam đã và đang tiếp tục hồi hương về quê tránh dịch và dự kiến ở lại tìm việc làm sau khi hoàn thành cách ly. Tỉnh đang nỗ lực qua nhiều kênh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân để có phương án hợp lý nhất, sớm nhất. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, phát phiếu khảo sát công nhân lao động để kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ về đời sống, việc làm trong thời gian tới. Đề xuất với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động tại quê hương".
“Bên cạnh đó, giúp người dân hồi hương an cư đang là mục tiêu được chính quyền các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện. Ngoài những hỗ trợ, tạo việc làm trước mắt, chính quyền địa phương đã tích cực thăm dò ý kiến người dân về nhu cầu vay vốn, hỗ trợ mua con giống, nhu cầu cấp đất rừng sản xuất… để người dân từng bước ổn định cuộc sống.Đặc biệt, phối hợp tốt với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ tại các khu công nghiệp, hỗ trợ xe đưa đón công nhân ở xa… để lao động lại quê nhà một cách bền vững” – ông Đỗ Minh Tuấn thông tin thêm.
Được biết, Thanh Hoá là tỉnh có số người lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài đông với trên 330.000 lao động, chủ yếu là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15-35 tuổi (chiếm 65%), lao động nữ chiếm trên 50%. Người lao động chủ yếu hành nghề tự do hoặc làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da... tại các thành phố lớn
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tổng số người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có khoảng 205.000 người, trong đó: số người trong độ tuổi lao động trở về từ vùng dịch là 160.800 người (chiếm gần 80% trên tổng số công dân trở về quê).
Trước tình hình hàng chục nghìn người lao động Thanh Hoá ở các tỉnh thành của cả nước trở về quê. Ngay đầu tháng 9/2021, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Thanh Hóa trở thành tỉnh sớm nhất trong cả nước ban hành được phương án hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch.
Thực hiện Phương án số 198/PA-UBND, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm DVVL phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có trên 150 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng trên 35.000 lao động trên địa bàn tỉnh(trong đó lao động nữ chiếm 70%), chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da nhu cầu tuyển dụng gần 15.000 lao động, may mặc nhu cầu tuyển dụng gần 8.000 lao động, ngoài ra là các ngành nghề như cơ khí - tự động hóa, nhựa-bao bì, nông - lâm - thủy sản...
Trung tâm DVVL đã tổ chức trên 10 hội nghị tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, đã có 34.230 người lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh (trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh – bán hàng, dệt may - giầy da - nhựa - bao bì, giúp việc gia đình, dịch vụ bảo vệ... 1.080 lao động được đào tạo nghề may công nghiệp, xây dựng dân dụng, cơ khí, hàn, điện nước... 24.500 lao động đã quay trở lại làm việc ở tỉnh ngoài Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... đã có 346 lao động được vay vốn giải quyết việc làm, số tiền đã giải ngân là 24,151 tỷ đồng tập trung vào các dự án chăn nuôi, trồng cây ăn quả, làm dịch vụ, buôn bán, cơ khí... góp phần duy trì và mở rộng việc làm cho 610lao động.
Người lao động trở về địa phương được quan tâm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm đào tạo, kèm cặp, truyền nghề trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn hoặc tham gia sản xuất nông nghiệp ngay tại địa phương. Nhiều lao động sau khi được hỏi về nhu cầu học nghề và việc làm đều trả lời chưa xác định hoặc chờ đợi sẽ quay trở lại nơi làm việc trước khi dịch bệnh bùng phát.
Mục đích của Phương án nhằm hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly được đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp người lao động trở về vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Để triển khai hiệu quả phương án 198 của UBND tỉnh Thanh Hoá, giúp lao động ổn định việc làm và đời sống tại địa phương, Ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ngân hàng CSXH Thanh Hóa, các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách nhu cầu vay vốn của các lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm để tham mưu cấp trên cân đối, bố trí nguồn vốn giải quyết cho vay kịp thời; cử cán bộ hướng dẫn về quy trình, thủ tục cho vay để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
“Trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục tạo mọi điều kiện để phát triển doanh nghiệp mới, tạo việc làm mới. Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút lao động trở về từ vùng dịch vào làm việc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương” - Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
THU HƯƠNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ