Thanh Hóa: Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công
- Người có công
- 12:00 - 15/02/2023
Toàn tỉnh hiện có 349.469 người có công với cách mạng. Trong năm 2022, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho 834.500 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.569,4 tỷ đồng. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định. Các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng đã tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị thường xuyên cho 235 người có công và điều dưỡng tập trung, luân phiên cho trên 30.000 lượt người có công.
Các hoạt động hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tỉnh đã hỗ trợ xây mới 12.558 nhà, sửa chữa 13.831 nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng. Công tác tìm kiếm, tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sĩ và chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, khắc phục hậu quả sau chiến tranh luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện. Tiếp nhận và an táng 16 hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm; toàn tỉnh hiện có 740 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ, 30 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi an nghỉ trên 10.000 mộ liệt sĩ và gần 2.000 mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang dòng họ.
Riêng trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ trên 18 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ của Trung ương để cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ và bia ghi danh các liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đảm bảo bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Các hoạt động hỗ trợ đảm bảo đời sống người có công với cách mạng được tích cực thực hiện. Năm 2022, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ban, sở, ngành, cấp ủy các cấp đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ nâng cao đời sống của hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành nhằm hỗ trợ cải thiện đời sống của người có công và gia đình. Đồng thời, phát động và triển khai mạnh mẽ các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tích cực xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, với tổng số tiền vận động, huy động từ năm 2013 đến nay là gần 122 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 3.536 nhà ở cho người có công, kinh phí trên 57 tỷ đồng; trao tặng 1.003 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng ...
Trong dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, toàn tỉnh có trên 380.000 lượt người có công và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước và quà tặng của tỉnh, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh chiếm 50%). Tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bản thân gia đình người có công để thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.