CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:16

Thanh Hóa: Trưng bày triển lãm giới thiệu Bảo vật Quốc gia

Các Bảo vật Quốc gia trưng bày triển lãm lần này đang được lưu giữ tại Bảo tỉnh Thanh Hóa gồm: Kiếm ngắn núi Nưa, Vạc đồng Cẩm Thủy và Trống đồng Cẩm Giang.

Thanh Hóa: Trưng bày triển lãm giới thiệu Bảo vật Quốc gia - Ảnh 1.

Kiếm ngắn núi Nưa

Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ và phát huy giá trị nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, của đông đảo nhân dân và du khách.

Kiếm ngắn núi Nưa, có niên đại Văn hóa Đông Sơn muộn, cách ngày nay khoảng 2.000 năm, sưu tầm được dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) năm 1961, còn tương đối nguyên vẹn, được phủ lớp patin màu xanh xám.

Thanh Hóa: Trưng bày triển lãm giới thiệu Bảo vật Quốc gia - Ảnh 2.

Trống đồng Cẩm Giang

Kiếm được làm bằng đồng, dài 46,5cm; rộng 5cm; cán dài 18cm, nặng 620g, có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Bảo vật Quốc gia này còn có giá trị lịch sử rất đặc biệt khi gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu tại núi Nưa, những năm đầu thế kỷ thứ III sau Công nguyên.

Trống đồng Cẩm Giang được xác định thuộc niên đại Văn hóa Đông Sơn muộn, cách đây khoảng 2.000 năm. Đây là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn bởi vì tính đến thời điểm hiện nay ở nước ta chưa có nơi nào có chiếc trống đẹp và giống với chiếc trống Cẩm Giang.

Trống có đường kính mặt 73cm; đường kính chân 73cm; cao 49,1cm; nặng 60 kg. Mặt trống chính giữa là hình ngôi sao 16 cánh, tính từ tâm ra ngoài trang trí 9 vòng hoa văn. Rìa mặt có 4 khối tượng vịt quay ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống có 5 vành hoa văn. Lưng trống có 3 vành hoa văn. Chân trống không có hoa văn. Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C, rìa ngoài trang trí đường gờ nổi. Căn cứ vào kiểu dáng và hoa văn trang trí trống Cẩm Giang thuộc loại HI Heger, nhóm C1.

Thanh Hóa: Trưng bày triển lãm giới thiệu Bảo vật Quốc gia - Ảnh 3.

Vạc đồng Cẩm Thủy

Vạc đồng Cẩm Thủy là bảo vật thứ ba đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có đường kính miệng 134,4cm; đường kính đáy 115cm; cao 79,8cm. Trọng lượng của vạc ước tính khoảng 3 tấn.

Vạc có dáng hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát (cao 9cm), đáy lồi. Trên miệng gắn 6 quai to hình chữ U trang trí hình vặn thừng cách đều nhau. Bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng tỉnh là những hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc. Để những Bảo vật Quốc gia được đến với công chúng, nhân dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, Bảo tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các hoạt động trưng bày giới thiệu, đồng thời sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học trong tỉnh…

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh