Thanh Hóa: Triển khai tổng kết, rà soát người có công với cách mạng
- Người có công
- 23:01 - 24/11/2020
Ngày 24/11, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký ban hành văn bản số 248/KH-UBND về việc Tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020.
Theo đó, mục đích đánh giá, thống kê việc công nhận người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa làm căn cứ, định hướng xây dựng, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tập trung thống kê việc thực hiện công nhận người có công với cách mạng tại các cơ quan có thẩm quyền; đánh giá cụ thể, chỉ rõ điều kiện, căn cứ xác nhận, quy trình thủ tục, bất cập, những hạn chế, bất cập, kiến nghị hướng sửa đổi để phù hợp với thực tiễn giải quyết (nếu có) trong công tác công nhận người có công với cách mạng; (không đánh giá chung chung, hình thức, báo cáo thành tích việc đã xác nhận được người có công với cách mạng).
Việc tổ chức tổng kết phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, đảm bảo dân chủ, khách quan và toàn diện theo đúng nội dung, mục đích, tiến độ đề ra.
Nội dung tổng kết phải bám sát những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục hồ sơ công nhận người có công với cách mạng (quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn); phản ánh đúng tình hình thực tế; phân tích, đánh giá kèm theo số liệu cụ thể.
Phân công nhiệm vụ hợp lý, xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị có thẩm quyền triển khai thực hiện công tác công nhận người có công với cách mạng, đảm bảo có sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các nội dung tổng kết.
Cụ thể, đánh giá kết quả đạt được trong việc công nhận người có công với cách mạng, trong đó tập trung vào các nội dung: tình hình thực hiện thủ tục hồ sơ tại các cơ quan, đơn vị (như: tình hình thực hiện công tác xác nhận ở cấp xã, cấp huyện…); thực hiện các văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương (công tác tuyên truyền, phổ biến; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xác nhận; công tác bố trí nguồn nhân lực thực hiện…), tác động của việc công nhận người có công với cách mạng đến sự phát triển, ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đánh giá toàn diện các quy định về điều kiện, căn cứ xác nhận và thủ tục hồ sơ công nhận người có công với cách mạng. Thông qua đó, nêu rõ những bất cập, hạn chế trong quá trình công nhận người có công với cách mạng, đồng thời phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập; xác định những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn công nhận người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị hướng sửa đổi nhằm hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; xem xét, đề xuất khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác công nhận người có công với cách mạng...