Thanh Hóa: Tín dụng chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho lao động
- Bài thuốc hay
- 16:45 - 06/11/2021
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm đến ngày 30/6/2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 579 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm trên 106 tỷ đồng; nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 263 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên 209 tỷ đồng.
Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, từ 2016 đến 30/6/2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 7.007 dự án được vay vốn. Trong đó có 406 dự án của người khuyết tật; 655 dự án của người dân tộc thiểu số và 5.946 dự án của lao động khác. Có 40 dự cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn, trong đó cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân tộc thiểu số là 18; Cơ sở của người lao động khác 22. Tổng số lao động được vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 11.467 người, trong đó có 406 lao động là người khuyết tật, 967 lao động là người dân tộc thiểu số và 10.094 lao động khác.
Từ nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số dự án cho vay người lao động từ năm 2016 đến 30/6/2021 là 5.842 dự án, trong đó có 588 dự án của người dân tộc thiểu số (không có dự án người khuyết tật) và 5.254 dự án của người lao động khác. Số dự án cơ sở sản xuất kinh doanh cho vay là 248 dự án (người dân tộc thiểu số là 44; cơ sở của người lao động khác 204). Số lao động được vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 6.164 người. Trong đó có 650 lao động là người dân tộc thiểu số (không có lao động người khuyết tật) và 5.514 lao động khác.
Từ nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã có 5.700 dự án của người lao động được vay vốn, trong đó: Có 309 dự án của người dân tộc thiểu số (không có dự án người khuyết tật) . Có 151 dự án cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn, trong đó của người dân tộc thiểu số là 3 dự án; của người lao động khác 148. Tổng số lao động được vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 5.893 người. Trong đó có 382 lao động là người dân tộc thiểu số (không có lao động người khuyết tật) và 5.511 lngười lao động khác.
Đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bằng các nguồn vốn từ 2016 đến 30/6/2021 Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã cho 2.043 người được vay vốn. Trong đó lao động thuộc hộ nghèo, huyện nghèo 30a là 800 người; lao động thuộc hộ cận nghèo 622 người; thân nhân người có công với cách mạng 445 người; lao động bị thu hồi đất 176 người. Các lao động đi làm việc ở thị trường Nhật Bản 19 người; Đài Loan 780 người; Hàn Quốc 483 người; các nước khác 761 người...
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc làm của vợ chồng anh Nguyễn Văn Đôn, 33 tuổi, ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn gặp khó khăn. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, không có việc làm, không có nguồn thu nhập, anh Đôn quyết định đưa vợ con rời Hà Nội về quê. Thông qua Hội liên hiệp phụ nữ xã, anh Đôn biết được chính sách cho người lao động trở về từ vùng dịch được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với mức lãi suất thấp. Anh quyết định làm hồ sơ vay 100 triệu đồng. Anh Đôn cho biết: “Từ nguồn vốn vay cùng với số tiền mượn thêm của anh em, bạn bè, tôi đã mua 4 con bò, đầu tư cải tạo chuồng trại và mở rộng thêm diện tích cây ăn quả trên đất trang trại gia đình. Nguồn vốn vay kịp thời từ Ngân hàng Chính sách xã hội là sự động viên, khích lệ để tôi quyết tâm khởi nghiệp ở chính quê hương mình”- anh Đôn nói.
Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn, tổ chức các điểm giao dịch tại xã với thủ tục công khai, đơn giản, thuận tiện, dễ dàng tiếp cận. Các chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác đã thực hiện đúng quy định về đối tượng vay, hạn mức cho vay, thu hồi vốn và xử lý vấn đề nợ xấu. Vốn vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm khác đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ, duy trì, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho hàng nghìn lao động địa phương, thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Những kết quả trên đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện an sinh xã hội, trên địa bàn…"