Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động gặp khó giữa đại dịch
- Bài thuốc hay
- 14:07 - 04/11/2021
Có con nhỏ phải gửi ông bà ở quê chăm sóc, trong khi việc đang làm rất vất vả vì phải đi theo công trình mà sức khỏe lại không bảo đảm, chị Nguyễn Thị Hà (ở phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) đã xin nghỉ làm tại Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung (ở phường 9, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) trở về quê tìm công việc mới gần nhà. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa làm thủ tục hưởng BHTN, tư vấn giới thiệu việc làm mới, chị Hà cho biết: “Trước đây, tôi đã làm việc tại 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da, gần đây chuyển sang làm kế toán văn phòng cho Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung. Tính đến khi nghỉ việc về quê, tôi đóng BHTN được 65 tháng. Số tiền trợ cấp BHTN tuy không nhiều nhưng lại vô cùng quý giá với tôi lúc này. Nhờ chính sách BHTN mà tôi có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài ra, tôi còn được cán bộ Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm mà mình có thể đảm nhận, giúp mình có cơ hội quay trở lại làm việc nhanh hơn”, chị Hà thông tin.
Chị Lê Thị Nhung (ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống) làm công nhân tại Công ty Samsung Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đến khi sinh con, chị trở về quê nghỉ chế độ thai sản theo quy định. Đến tháng 6/2021 thì hết thời gian thai sản, phải quay trở lại công ty làm việc. Do dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên chị xin nghỉ hẳn việc tại Công ty Samsung, ở nhà chăm con. Chị Nhung chia sẻ: "Nghỉ việc đồng nghĩa không có khoản thu nhập cố định hằng tháng nhưng chi phí sinh hoạt của gia đình không thuyên giảm. Số tiền trợ cấp BHTN sẽ giúp tôi trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này”.
Do công ty cắt giảm lao động và thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp với mong muốn sớm nhận được khoản tiền trợ cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn trước khi tìm được việc làm mới, chị Lưu Thị Hoa (ở xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa) cho biết: “Trước đây, em làm việc tại Công ty TNHH Freetrend Industrila Việt Nam ở quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ việc trở về địa phương, em đã đến Trung tâm làm thủ tục hưởng BHTN và tư vấn việc làm. Em cũng muốn sớm tìm được việc làm mới để có thêm thu nhập trang trải gia đình”- chị Hoa chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết 9/2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 17.076 người. 100% người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm được hỗ trợ tư vấn tìm kiếm việc làm mới miễn phí. Đến ngày 26/10, 6.103 đơn vị, doanh nghiệp với 286.339 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ BHTN, tổng số tiền được giảm mức đóng là 12,804 tỷ đồng; số người lao động được duyệt hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 142.005 người với tổng số tiền là 323,212 tỷ đồng (tỷ lệ hỗ trợ đạt 100%).
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết: “Đa phần người lao động sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ trợ cấp BHTN. Nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm lao động. Trước thực trạng người lao động bị mất việc làm tăng mạnh, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách BHTN luôn đảm bảo theo phương châm 3 đúng: “Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”- ông Vinh nói.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Dự báo thông tin thị trường lao động Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Ngoài việc thực hiện chính sách BHTN cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa còn tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú như: Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng; treo pano, phát tờ rơi; hội nghị, hội thảo; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động tại các địa phương; phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn về chính sách BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động để giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình... Qua đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của người lao động vào các chính sách BHTN và tích cực tham gia BHTN”- ông Trường thông tin.