THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:32

Thanh Hóa: Thu hút đầu tư 24.590 tỷ đồng và 3.057,5 triệu USD trong 8 tháng đầu năm

 

Toàn cảnh TP Thanh Hoá (ảnh Tiến Luyến)


Phát huy thế mạnh và tiềm năng 

Thanh Hóa là tỉnh nằm ở phía Bắc miền Trung, đứng thứ 3 về dân số và thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, có lợi thế kết nối vùng miền, chịu ảnh hưởng của vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc và vùng trọng điểm kinh tế Trung bộ, có vai trò là động lực phát triển cho cả khu vực Bắc Trung bộ. Cùng với cảng nước sâu Nghi Sơn và sân bay Thọ Xuân là cửa ngõ Quốc tế, hệ thống đường Quốc lộ huyết mạch và tuyến đường xuyên Á đã tạo thành mạng lưới giao thông và phân phối lan tỏa trong vùng, khu vực và liên kết thị trường các nước Lào và Thái Lan. Với thủ phủ là TP. Thanh Hóa và khu kinh tế Nghi Sơn đang phát triển thành khu kinh tế hàng đầu của cả nước, là điều kiện tốt nhất để các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đến đầu tư và hoạt động.

Hiện nay Thanh Hóa đang là địa phương có khả năng đáp ứng cao nhất về sản lượng xi măng, sản lượng điện, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, nguyên liệu mía đường, nguyên liệu tre luồng chế biến xuất khẩu, sản lượng lương thực, thủy sản chế biến xuất khẩu và nguồn nhân lực dồi dào. Địa bàn khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh được bố trí ở các khu vực thuận tiện, dễ dàng tiếp cận về giao thông, vận tải hàng hóa, nguồn nguyên liệu và nguồn nhân lực lao động. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Thanh Hóa có nhiều địa bàn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định pháp luật về đầu tư. Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước để ưu tiên đầu tư và được phê duyệt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. Khu kinh tế Nghi Sơn có cảng nước sâu lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện tại có 08 khu công nghiệp, trong đó có 5 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Cùng với việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đang tập trung xây dựng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng thành Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, có tổng diện tích khoảng 6.000 ha nhằm phát huy lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân; KCN Bỉm Sơn; KCN Hoàng Long tại trung tâm TP. Thanh Hóa, tạo thành tứ giác phát triển của tỉnh.

Các nhà đầu tư đầu tư vào Thanh Hóa được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tốt nhất theo quy định của Pháp luật Việt Nam. Với vị trí địa lý của Thanh Hóa khá thuận lợi có đủ các loại hình giao thông kết nối giữa các địa phương trong nước và nước bạn Lào. Tỉnh cũng có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái và được chia thành 3 vùng rõ rệt gồm trung du - miền núi, đồng bằng và vùng ven biển, nguồn tài nguyên phong phú bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên khoáng sản.  

 

Lễ khai trương đường bay Thanh Hoá – Bangkok

 

Năng động và đổi mới

Trong những năm gần đây, Thanh Hóa đã thực sự chuyển mình, khẳng định sự vươn lên một tầm cao mới của Thanh Hoá. Sự năng động là sức hút, là động lực để Thanh Hoá luôn hội tụ và tỏa sáng suốt chiều dài lịch sử, từ thời khẩn hoang lập ấp đến thời kỳ CNH, HĐH đất nước hôm nay. Thanh Hóa ngày càng đẹp hơn, văn minh, hiện đại hơn trong con mắt của bạn bè trong nước và quốc tế. Sau nhiều năm đổi mới, Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng Nam Thanh Bắc Nghệ và cả nước. 

Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường, quan hệ hợp tác với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế được mở rộng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ;thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn đứng ở tốp đầu cả nước. Tổng số dự án FDI đến thời điểm hiện nay là 72 dự án, tổng vốn đăng ký 12,7 tỷ USD. Trong đó có một số dự án lớn như: Xi măng Nghi Sơn, công suất 4,3 triệu tấn/năm, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất 10 triệu tấn/năm, với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD; dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, vốn đầu tư 2,3 tỷ USD và nhiều dự án may mặc, giày da của các Tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... thu hút hàng vạn lao động.

Đặc biệt là sự kiện trong đại của tỉnh gần đây nhất đó là tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư  tỉnh Thanh Hóa 2017 vào giữa tháng 5 vừa qua, đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng. Và Thanh Hóa cũng sẽ là tỉnh đầu tiên của cả nước được nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư Nhà máy sản xuất ô tô điện tiêu chuẩn của Mỹ với tổng dự án 500 triệu USD với công suất ban đầu 10.000 xe/năm, và sẽ tiến tới 50.000 xe/năm.

Và  mới đây nhất, cuối tháng 7/2017, sự kiện khai trương đường bay Thanh Hóa - Bangkok ra đời, đã tạo điều kiện phát triển du lịch, thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của khu vực Bắc miền Trung nói chung. Đây còn là tiền đề để đưa Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế trong tương lai. 8 tháng đầu năm Thanh Hoá đã thu hút đầu tư 24.590 tỷ đồng và 3.057,5 triệu USD

Phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước

Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 12% trở lên, GDP bình quân đầu người đạt trên 1.750 USD; sản lượng lương thực đạt 1,6 triệu tấn trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,85 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 13.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 106.000 tỷ đồng; thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 65.500 lao động, trong đó xuất khẩu 10.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5% trở lên (theo chuẩn mới). Đạt được kết quả trên trong giai đoạn vừa qua, Thanh Hóa đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời có hiệu quả của Trung ương và các Bộ, ngành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Với phương châm hành động trong giai đoạn 2015 - 2020 là Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển với các chỉ tiêu đặt ra: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP bình quân đạt 12%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người đạt 3.600USD trở lên, cơ cấu các ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 12%, công nghiệp - xây dựng chiếm 53,7%, dịch vụ chiếm 34,3%. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD trở lên. Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn. Huy động vốn đầu tư trong 5 năm đạt 610 nghìn tỷ đồng. GQVL mới cho trên 330.000 người trở lên. Tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 2,5%.

Các đột phá trong nhiệm kỳ: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc…ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu CN Lam Sơn – Sao Vàng, TP Thanh Hóa và các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa... đáp ứng yêu cầu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh