Thanh Hoá: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại
- Các loại bệnh
- 18:29 - 11/09/2017
Kiểm tra hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ
Nhiều phương thức mới trong buôn lậu, gian lận thương mại
Hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên các mặt hàng, lĩnh vực như: thuốc lá, áo quần nhập khẩu, đồ điện tử, đồ gia dụng… Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi mới nhằm gây khó khăn cho các cơ quan chức năng xử lý, một số diễn biến và phương thức mới của các đối tượng buôn lậu như: về mặt hàng thuốc lá, các đối tượng vận chuyển trên các xe khách, xe đông lạnh, xé lẻ, ngụy trang dưới dạng hành lý để vận chuyển; về mặt hàng gỗ, được vận chuyển trái phép từ các tỉnh Tây nguyên xuất đi các tỉnh phía Bắc, Trung Quốc không có hồ sơ nguồn gốc lâm sản, không kèm theo hoá đơn GTGT gốc nhằm mục đích quay vòng hồ sơ, hoá đơn, giả mạo hồ sơ, chữ ký, mẫu dấu, xác nhận của kiểm lâm để hợp thức hoá nguồn gốc lâm sản.
Trên lĩnh vực hàng giả, hàng kém chất lượng, các đối tượng mua hàng có chất lượng thấp để đóng gói với nhãn hiệu có chất lượng, giá trị cao hơn hoặc giả các nhãn hiệu nổi tiếng lên quần áo, giày dép, gia dụng… để đưa vào các chợ, siêu thị, về các vùng nông thôn hoặc miền núi để tiêu thụ. Trên lĩnh vực hải quan, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để nhập khẩu, xuất khẩu hàng sai số lượng, mặt hàng, xuất khẩu mặt hàng cấm, không bảo quản nguyên trạng hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan, tự ý tiêu thụ hàng hoá được phép mang về tự bảo quản khi chưa có kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành…
Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Thanh Hoá: “Hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra. Tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu (thuốc lá ngoại, rượu ngoại, thuốc nổ công nghiệp, ma túy...) có chiều hướng gia tăng. Tình hình gian lận thương mại còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực như: đo lường, chất lượng, giá, khuyến mại... Các ngành đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong hoạt động bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là có các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn”
Nhìn chung từ đầu năm 2017 đến nay, số vụ việc được phát hiện và xử lý có tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Trong những tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã trực tiếp kiểm tra phát hiện và xử lý 3.031 vụ, trong đó có 2.747 vụ xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và quyền SHTT, về lĩnh vực giá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng thu 9.598,53 triệu đồng. Trị giá hàng chờ bán, chờ tiêu hủy 1.102,7 triệu đồng.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống buôn lậu và gian lận thương mại, mục tiêu của anh em trong đội luôn hướng tới là góp phần đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tạo được niểm tin đối với người tiêu dùng. Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát của Ban chỉ đạo 389 trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 3.617 vụ vi phạm, chuyển khởi tố hình sự 209 vụ, số vụ xử lý vi phạm hành chính 3.408 vụ. Tổng số tiền thu 74.427 triệu đồng. Trong đó: Phạt vi phạm hành chính 37.694 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu và tiêu huỷ 3.025 triệu đồng; truy thu thuế 33.708 triệu đồng.
Như vậy, để thị trường hàng hóa trên địa bàn Thanh Hóa thực sự ổn định thì bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các cán bộ của các Đội QLTT – những người lính trên mặt trận chống buôn lậu và gian lận thương mại cũng rất cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự kiên quyết thông thái của người tiêu dùng trước các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Có như vậy sẽ góp phần bình ổn thị trường, chống thất thu ngân sách Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bắt vụ buôn lậu ngà voi
Quyết liệt xử lý nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Cục QLTT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, BCĐ 389 tỉnh Thanh Hoá và Sở Công Thương, Chi cục QLTT đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn đẩy lùi có hiệu quả tình trạng buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Bám sát chỉ đạo của cấp trên, tình hình diễn biến thị trường trên địa bàn tỉnh, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành các kế hoạch và công văn chỉ đạo các Phòng chuyên môn, các Đội QLTT trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP. Đồng thời gắn nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường với nhiệm vụ của BCĐ 389 tỉnh, Chi cục đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường, làm cơ sở cho việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm tra, kiểm soát các ngành hàng, mặt hàng, lĩnh vực… Ngoài ra Chi cục đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo hiệu quả; tập trung các mặt hàng: xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng; vật liệu và thiết bị xây dựng; thuốc tân dược; thuốc lá ngoại nhập lậu, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, sữa, điện tử, điện lạnh, gia súc gia cầm và sản phẩm từ gia súc gia cầm và hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè, hoạt động bán hàng đa cấp...
Những ngày lễ, tết là thời điểm thuận lợi để nạn buôn lậu, mua bán hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP có nguy cơ gia tăng. Các đối tượng vận chuyển thường thay đổi phương tiện, thay đổi tuyến đường, quy luật hoạt động. Chính vì vậy mà công tác kiểm tra, kiểm soát của các Đội QLTT cũng bận rộn và …vất vả hơn. Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sản phẩm giả mạo, kém chất lượng, vi phạm VSATTP. Các Kiểm soát viên còn là người tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh làm tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại. Nhờ đó tình hình kinh doanh buôn bán trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định, từ các đại lý bán hàng nhỏ lẻ cho đến các đại lý lớn, các siêu thị cũng có ý thức chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống buôn lậu và gian lận thương mại, thì mục tiêu của anh em trong đội luôn hướng tới là góp phần đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tạo được niểm tin đối với người tiêu dùng.
Nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Như vậy, để thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực sự ổn định thì bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các cán bộ của các Đội QLTT – những người lính trên mặt trận chống buôn lậu và gian lận thương mại thì cũng rất cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự kiên quyết thông thái của người tiêu dùng trước các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Có như vậy sẽ góp phần bình ổn thị trường, chống thất thu ngân sách Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Song song với tăng cường cán bộ trực tiếp phụ trách, bám nắm cơ sở thì việc phối hợp lực lượng với các đơn vị liên quan trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa luôn được các Đội quản lý thị trường quan tâm thực hiện. Trong đó, nổi bật là tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và thị xã về kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân tuần tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là trong các dịp lễ tết. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng cũng còn không ít những bất cập như: lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra tuy nhiều nhưng lại chồng chéo giữa các ngành, không có phương tiện, công cụ hỗ trợ. Mặc khác, nhận thức của người dân về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng còn hạn chế, các cơ sở kinh doanh đã lợi dụng để đưa những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng hay những hàng đã hết hạn sử dụng vào để buôn bán.
Trong những năm qua, chính quyền và cơ quan chức năng đã có những biện pháp đấu tranh phòng chống, song tình trạng vi phạm về điều kiện kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến khá phức tạp trên địa bàn. Do vậy, các cơ quan chức năng Thanh Hóa mà trực tiếp là Chi cục quản lý thị trường cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng rất cần sự vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông thái, nói "không" với các loại hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các loại hàng hóa được nghi là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt. các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần nghiêm túc thực hiện pháp luật kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật, góp phần tạo môi trường giao thương lành mạnh trên địa bàn.