CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

 

Phát triển kinh tế gắn với An sinh xã hội

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực vươn lên không ngừng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thanh Hóa. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,6% cao nhất trong 3 năm qua. Thu ngân sách đạt 7.526  tỷ đồng. GDP bình quân đầu người đạt 1.365 USD/năm.

Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường, quan hệ hợp tác với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế được mở rộng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) xếp thứ 6.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 9. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 xếp thứ 8 cả nước, tăng 36 bậc so với năm 2012. Đã huy động vốn đầu tư phát triển đạt gần 85.530 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 152 dự án (10 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 27.058 tỷ đồng và trên 100 triệu USD.

Năm 2014 cũng là năm khởi đầu cho nhiều dự án lớn được đầu tư và xây dựng tại tỉnh như: Khởi công xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế tại Sầm Sơn, đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, đường vành đai phía tây thành phố Thanh Hóa, tòa nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hóa... Đến nay, Thanh Hoá đã đạt 16/16 chỉ tiêu, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. 

Thanh Hóa: Tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với An sinh xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng thăm và tặng quà Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Thanh Hoá nhân dịp Tết Nguyên đán 2015.


Trong những năm qua, với phương châm: “Phát triển kinh tế luôn gắn với các vấn đề an sinh xã hội”. Chính vì vậy, các vấn đề an sinh xã hội luôn được Thanh Hoá quan tâm và cũng là một trong những mục tiêu phấn đấu của tỉnh.

Hiện nay, Thanh Hóa đang quản lý trên 500.000 hồ sơ người có công (NCC), thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NCC trên địa bàn toàn tỉnh như: Trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 80.000 người có công với tổng kinh hơn 1.415 tỷ đồng.

Trợ cấp 1 lần hơn 26 tỷ đồng cho các đối tượng theo QĐ số 62/2011/TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ... Các đối tượng NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của nhân dân địa phương nơi đối tượng cư trú. Thực hiện theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hóa đã và đang tiến hành rà soát khoảng 152.156 trường hợp (liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ là 56.272 trường hợp, Bà mẹ VNAH 194 mẹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh là 32.148 người, bệnh binh 13.418 người, người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học 7.832 người, người có công giúp đỡ cách mạng là 146 người, cựu thanh niên xung phong là 39.049 người, tuất thương bệnh binh- chất độc hóa học là 3.097).

Đến nay cơ bản các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiến hành tổng rà soát trên địa bàn toàn huyện và sẽ hoàn thành trước ngày 30/8/2015. Tổng số đối tượng rà soát là 4.965 đối tượng, trong đó thực hiện đúng chế độ là 4.965 đối tượng đạt 100%; thực hiện sai chế độ không có đối tượng nào.

Đối tượng chưa được xem xét xác nhận người có công là 147 đối tượng.  Trong năm 2014, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 61.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động gần 9.000 người.

 Hệ thống dạy nghề tiếp tục được phát triển, đến nay toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở đào tạo nghề, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho người khuyết tật, dạy nghề và chuyển đổi nghề cho lao động bị thu hồi đất, tái định cư phục vụ các dự án, các khu công nghiệp, khu kinh tế được quan tâm, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,07% so với đầu năm.

Thanh Hóa: Tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với An sinh xã hội

Tặng quà các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.


 Tạo động lực thu hút đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao

 Là một tỉnh có đối tượng chính sách đông với trên 150.000 đối tượng NCC, trên 60.000 liệt sĩ, quả là rất khó khăn cho Thanh Hóa trong vấn đề thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đến các đối tượng. Để có được kết quả trên, Thanh Hóa đã phải thực hiện chính sách đến NCC một cách nghiêm túc, công khai, trách nhiệm và công tâm đến tất cả các đối tượng chính sách.

Đồng thời cũng là một tỉnh lớn, có nguồn lao động dồi dào, việc giải quyết việc làm hàng năm cho số lao động này cũng là một vấn đề khó khăn đối với Thanh Hóa. Chủ trương thu hút đầu tư về Thanh Hóa của tỉnh là một chủ trương lớn, đúng đắn, không chỉ tính đến việc phát triển kinh tế mà còn giải quyết việc làm hàng năm cho hàng vạn lao động ngay tại địa phương.

Cùng với tạo việc làm trong nước, tỉnh còn quan tâm đến XKLĐ, vì XKLĐ không chỉ tạo việc làm mà còn tăng thu nhập cao cho chính người lao động và gia đình của họ. Đặc biệt là quan tâm đến thị trường lao động Hàn Quốc, hiện nay Hàn Quốc đang là một trong những thị trường thu hút lao động các nước nghèo tìm đến, chính vì thế tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những động viên đối với những lao động hiện nay đang ở lại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, để tạo cơ hội cho các lao động khác.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình 30a, các chế độ, chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, có hiệu quả, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh, huy động nhiều nguồn lực nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tranh chấp lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết: “Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi có ba vùng miền, song cũng là một trong những tỉnh có dân số đông, có hơn 1 triệu người sinh sống tại 11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện 30a. Phát triển kinh tế của Thanh Hóa cũng có nhiều thuận lợi, đặc biệt là phát triển về giao thông, là một trong những tỉnh có giao thông thuận lợi từ đường bộ, đường biển, cho đến đường bay.

Tiến tới Thanh Hóa tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Thu hút các nhà đầu tư về Thanh Hóa, chính là giải quyết việc làm cho nguồn lao động dồi dào của địa phương, tăng thu nhập xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trong những năm tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ thời cơ, vận hội mới để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, gắn với thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng, đẩy nhanh tiến độ dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh trong năm 2015.

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nhân lực cho các dự án lớn, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”.

Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa  phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 11,7% trở lên, trong đó nông lâm thủy sản tăng 3,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,6%, dịch vụ tăng 12,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP chiếm 17,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42%, dịch vụ chiếm 40%;

GDP bình quân đầu người đạt 1.520 USD; sản lượng lương thực đạt 1,6 triệu tấn trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 7.003 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 108.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 63.000 lao động, trong đó xuất khẩu 10.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên.

Bước vào năm mới 2015, mong rằng tỉnh Thanh Hóa có thêm nhiều thời cơ mới, vận hội mới, tiếp tục phát triển mang tính đột phá và lan toả không chỉ trong tỉnh Thanh Hóa mà còn trong toàn khu vực.

Thu Hương

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh