Thanh Hoá: Phát triển quy hoạch toàn diện với nhiều cơ hội mới
- Tây Y
- 18:27 - 09/12/2023
Phát triển quy hoạch toàn diện
Quy hoạch là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, để tăng trưởng nhanh và mạnh, nhất thiết phải có quy hoạch dài hơi, đi trước một bước vào vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên, có nguồn nhân lực dồi dào, tỉnh Thanh Hóa có nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh, trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước.
Sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn phát triển mới này, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, rất cần có một quy hoạch đầy đủ, toàn diện và dài hơi được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế, sắp đặt, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, khâu đột phá mà các nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Chính vì vậy, ngay sau khi Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành, tỉnh Thanh Hóa sớm bắt tay vào xây dựng Quy hoạch tỉnh cho giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu cao hơn, toàn diện và có tính bao quát hơn, đảm bảo các quy định của pháp luật.
Với tất cả quyết tâm, nỗ lực, trên cơ sở góp ý, tiếp thu của các bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương trong khu vực và trong tứ giác phát triển mới ở phía Bắc mà Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành quy hoạch theo quy định. Quy hoạch được các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá bám sát quy định của Luật Quy hoạch và những định hướng về quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như định hướng về quy hoạch, quy hoạch vùng.
Mới đây, ngày 15/4/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040. Đây là dấu mốc lịch sử rất quan trọng, mở ra triển vọng phát triển mới của đô thị Thanh Hóa, bao gồm thành phố Thanh Hoá và huyện Đông Sơn và đây cũng là sự kiện rất có ý nghĩa trong tiến trình phát triển đô thị hóa của tỉnh Thanh Hoá.
Thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Ngày 17 tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, tạo động lực, cơ hội cho Thanh Hóa khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được phê duyệt với mục tiêu hướng tới xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ trong nỗ lực xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa .
Về phát triển ngành, lĩnh vực, sẽ tập trung phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, xem đó là trụ cột phát triển. Cụ thể, với công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH.
Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và năng suất cao; định hướng một số ngành công nghiệp chủ yếu là: Công nghiệp hóa dầu, hóa chất và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; Công nghiệp sản xuất, cung ứng điện; Công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Công nghiệp dệt may, giày da. Riêng với lĩnh vực này, sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành khu vực phát triển ngành dệt may, da giày lớn nhất vùng Bắc Trung bộ.
Với nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.
Biến khát vọng thành hiện thực
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ minh Tuấn cho biết: “Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng; nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã đề ra, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, đặc biệt là thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, Thanh Hoá cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, hiểu được khát vọng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, để từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch".
“Trên cơ sở nội dung quy hoạch, cần tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khoa học, đặc biệt trong quản lý, phát triển đô thị, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất, quản lý xây dựng công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, xác định rõ thời gian hoàn thành. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị, các ngành và địa phương trong việc triển khai quy hoạch, khuyến khích sự tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, nhằm đảm bảo tính khả thi và phản ánh đúng nguyện vọng của người dân” – ông Đỗ Minh Tuấn thông tin thêm.
“Tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội; có giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển toàn diện của đô thị Thanh Hoá. Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, được thông qua thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa chúng tôi kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí để thực hiện thành công quy hoạch, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh kiểu mẫu của cả nước” – Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.
Những dự định, ấp ủ, khát vọng của tỉnh trên chặng đường phát triển mới sẽ sớm thành hiện thực. Vấn đề đặt ra là sau khi công khai quy hoạch, các cấp, ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm của mình để chung tay cùng tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa làm cơ sở hiện thực hóa quy hoạch. Biến khát vọng thành hiện thực.