CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Thanh Hóa: Nhiều biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động trong đại dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, sản xuất giày… lâm vào tình trạng khó khăn từ khâu nhập nguyên vật liệu đến việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Một số đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự, phân công ca làm việc luân phiên.

Tính đến cuối tháng 5/2020, những điều chỉnh này đã trực tiếp tác động tới tình trạng việc làm của trên 30% lao động tại các doanh nghiệp, theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, trong đó, số người buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động chiếm hơn 10%, số người tạm hoãn hợp đồng lao động lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập cũng tăng so với cùng kỳ. Tỉ lệ thất nghiệp tại địa phương trên được dự báo sẽ tăng nhanh trong quý II/2020 và có thể phải mất nhiều thời gian để ổn định trở lại.

Thanh Hóa: Nhiều biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Người lao động đến đăng ký hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm

Song song với đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp ở Thanh Hoá cũng giảm mạnh trong thời gian qua. Không chỉ vậy, thị trường lao động cũng có những chuyển biến mới. Trong khi các cơ sở sản xuất – kinh doanh quy mô nhỏ có xu hướng tuyển dụng lao động thời vụ, bán thời gian để phù hợp với tình hình hoạt động cầm chừng ở thời điểm bệnh dịch đang hoành hành, thì những doanh nghiệp lớn chủ yếu tìm kiếm những ứng viên có tay nghề, trình độ cao đẳng – đại học, có kĩ năng làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm và có thái độ nghiêm túc, tích cực trong công việc, thay vì tuyển nhiều lao động phổ thông như trước đây. Yêu cầu về nguồn nhân lực tuy ít nhưng chất lượng của các đơn vị sử dụng lao động tiếp tục là thử thách đối với công tác giải quyết việc làm tại địa phương miền Trung này.

Trước tình hình trên, Trung tâm DVVL Thanh Hoá đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ người lao động tìm việc làm và ổn định đời sống. Trên thực tế, hoạt động của Trung tâm trong 5 tháng đầu năm nay đã bị ảnh hưởng không nhỏ khi các phiên giao dịch việc làm cố định và vệ tinh, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn việc làm không thể diễn ra theo kế hoạch. Để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hơn 10 phiên giao dịch việc làm tập trung theo thông lệ đã bị huỷ bỏ, Trung tâm cũng điều chỉnh thời gian và quy trình tiếp đón công dân tới làm việc trực tiếp tại trụ sở chính và các văn phòng. Tuy nhiên, nhờ đa dạng hoá các hình thức tư vấn, giới thiệu, giải quyết hồ sơ Bảo hiểm thất nghiệp… hoạt động của Trung tâm vẫn diễn ra hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Thanh Hóa: Nhiều biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm tư vấn cho người lao động

Bên cạnh hình thức tư vấn tại quầy, dán thông báo trên bảng tin tại trụ sở, Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động thông tin về thị trường lao động trên các phương tiện truyền thông như website, fanpage, qua điện thoại, ứng dụng zalo… Với sự kéo dài của dịch bệnh, Trung tâm đã có một số hoạt động hỗ trợ người lao động như cho phép người lao động khai báo tình trạng tìm kiếm việc làm qua điện thoại, thư điện tử, website; nếu người lao động đang bị cách ly y tế bắt buộc thì có thể gửi phiếu khai báo qua đường bưu điện về Trung tâm. 

Nhờ đó, ngay cả khi không thể ra khỏi nhà, hàng chục nghìn lao động vẫn có thể kịp thời tiếp cận những thông tin hữu ích về những vị trí việc làm còn trống ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong quý I/2020, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 10.740 trường hợp và tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.278 người, trong đó, chủ yếu là tới làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo thống kê của Trung tâm DVVL Thanh Hoá, kể từ thời điểm công bố dịch COVID-19 đến cuối tháng 5/2020, đã gần 10.000 người làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 4 có 3.806 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 104,29% so với năm 2019. 

Nhằm hỗ trợ người lao động ở các vùng dịch, Trung tâm không yêu cầu họ tới khai báo trực tiếp mà có thể liên hệ qua điện thoại để được tư vấn về các thủ tục. Ngoài việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại các điểm tiếp nhận, người lao động có thể gửi hồ sơ tới Trung tâm qua dịch vụ chuyển phát của bưu điện và sẽ được xử lý ngay khi cung cấp đủ giấy tờ theo quy định. 

Trong 5 tháng đầu năm, Trung tâm đã giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 7.000 đối tượng, góp phần đảm bảo cuộc sống của người lao động mất việc. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, những trường hợp này vẫn được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu công việc mới và được hỗ trợ học nghề để nâng cao trình độ và sức cạnh tranh của bản thân trong thị trường lao động ngày một khắt khe như hiện nay.

Thu Huong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh