THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:51

10 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Thanh Hóa

 

Xác định rõ mục tiêu BHTN là đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho lao động bị thất nghiệp được học nghề để tìm việc làm nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động, chứ không đơn thuần là việc chi trả TCTN. Do đó trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tiến hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện chính sách BHTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Điển hình là đưa vào thực hiện một số mô hình “Tổ tư vấn tại chỗ”, “Một điểm đến” trong quá trình thực hiện chính sách BHTN. Và sau này là mô hình mẫu theo Công văn số 671/CV-CVL của Cục Việc làm triển khai tới hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước thực hiện đồng bộ.
Tư vấn tập trung cho người thất nghiệp.
Điểm chung của các mô hình là đều hướng tới giúp người lao động được hưởng chính sách BHTN với những ưu điểm vượt trội, có lợi cho người lao động trong suốt quá trình thực hiện nghĩa vụ và hưởng quyền lợi. Người lao động đã giảm thiểu thời gian đi lại, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, thủ tục đơn giản, linh hoạt, giải quyết nhanh chóng mọi nhu cầu hợp lý của người lao động.
Mục tiêu hướng tới của chính sách BHTN, cũng như tôn chỉ làm việc của Trung tâm là giúp đỡ, đưa người lao động sớm trở lại thị trường lao động, giúp người lao động ổn định cuộc sống lâu dài. Số tiền trợ cấp thất nghiệp hỗ trợ hàng tháng cho người lao động chỉ là sự hỗ trợ tạm thời trong thời điểm người lao động đang tìm kiếm việc làm mới, tuy nhiên đó là điều cần thiết và kịp thời trong thời điểm người lao động đang gặp khó khăn.
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động, thời gian qua Trung tâm đã triển khai có hiệu quả các mô hình thực hiện chính sách BHTN theo quy trình một cửa trong thực hiện chính sách BHTN, căn cứ trên tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị xác định khâu tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là đặc biệt quan trọng. 
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động hưởng BHTN
Tư vấn cho người lao động qua sàn giao dịch việc làm.
- Là tỉnh có diện tích lớn, có nhiều huyện miền núi và trung du, điều kiện kinh tế còn khó khăn, giao thông không thuận tiện, do đó ngoài trụ sở chính, Trung tâm đã thành lập 6 văn phòng đại diện tại các huyện trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong việc giải quyết chính sách BHTN.
- Người lao động bị mất việc làm đến Trung tâm sẽ  được cán bộ tư vấn học nghề - giới thiệu việc làm - cung cấp thông tin thị trường lao động, đồng thời được tư vấn về chính sách BHTN để người lao động có thể hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia BHTN.
- Trung tâm đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm thu thập thông tin về tuyển dụng, việc làm trống của của doanh nghiệp để hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động.
- Đa dạng hình thức tư vấn phù hợp với người lao động như tư vấn trực tiếp chuyên sâu, tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, điện thoại... Nguồn dữ liệu việc làm được trung tâm dịch vụ việc làm thu thập từ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đến đăng ký tuyển dụng tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, đăng ký trực tuyến trên website, sau đó thống kê và lập danh sách việc làm trống để giới thiệu đến người lao động.
Hàng tuần vào thứ 3 và thứ 5, Trung tâm phối hợp mời các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn tập thể, cung cấp thông tin về đào tạo nghề, thông tin về thị trường lao động, vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của các trường nghề và doanh nghiệp để người lao động nắm bắt và lựa chọn.
Ngoài ra, Trung tâm còn tích cực tư vấn cho người lao động thất nghiệp có đủ điều kiện về sức khỏe, học vấn, chuyên môn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 
Trong quá trình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp: Hàng tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm theo dõi về việc thông báo tìm kiếm việc làm của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động.
Giai đoạn 2009 - 2019, số lao động được đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm là 100.265 người.
Công tác tư vấn hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng BHTN
Đào tạo nghề có ý nghĩa rất quan trọng để người thất nghiệp nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó có cơ hội sớm tìm được việc làm. Việc tư vấn học nghề đóng vai trò quan trọng, có thể giúp người lao động hiểu rõ các điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nắm bắt nhu cầu của người sử dụng lao động và của thị trường... qua đó góp phần định hướng nghề nghiệp phù hợp cho người thất nghiệp. 
Tư vấn chuyên sâu cho người thất nghiệp.
Cùng với sự thay đổi về cơ chế, chính sách hỗ trợ, số lượng người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để nhanh chóng tìm được việc làm. Tuy nhiên đến nay số lao động tham gia học nghề còn rất khiêm tốn về số lượng (298 người). Thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng hơn nữa trong khâu tư vấn, hỗ trợ học nghề để lượng người lao động đăng ký học nghề tăng về số lượng và chất lượng. Tại Thanh Hóa, những ngành nghề người lao động đăng ký chủ yếu là: công nghệ ô tô, lái xe, may mặc... 
Kết quả thực hiện chính sách BHTN
Qua 10 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã đạt được những thành công nhất định, cũng như tác dụng tích cực về mặt kinh tế xã hội. Với những kết quả đáng khích lệ, được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực và được dư luận xã hội đánh giá cao. BHTN đã hỗ trợ khó khăn về kinh tế khi người lao động bị thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp được học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, từ đó góp phần ổn định, phát triển kinh tế và công bằng xã hội. 
Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
Mô hình tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm gắn với mô hình đề xuất của Cục Việc làm đã giải quyết chế độ chính sách về BHTN một cách nhanh chóng kịp thời cả cho người thực hiện và cho người lao động. Mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực giúp khai thác một cách chính xác các thông tin của người lao động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, từ đó có hướng tư vấn cho họ một cách hợp lý, phù hợp.
+ Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHTN: Giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, quay trở lại thị trường lao động, giảm tỷ lệ đói nghèo, thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên cả nước.
+ Thuận lợi cho người lao động đến liên hệ thực hiện các thủ tục về BHTN, đồng thời phổ biến chính sách pháp luật đến người dân được tốt nhất, các thông tin hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
+ Thực hiện giải quyết các chế độ về BHTN đúng quy định, đúng thời gian, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
+ Qua việc bố trí các bộ phận theo quy trình giải quyết công việc đã tạo thuận lợi trong việc bố trí nhân sự, cùng với đó là việc bồi dưỡng các kỹ năng bổ trợ trong việc thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, điều động cán bộ theo yêu cầu công việc.
+ Theo dõi tiến độ giải quyết từng công việc, kịp thời phát hiện các sai sót để điều chỉnh.
+ Có hành lang pháp lý rõ ràng, việc thực hiện hiệu quả, có quy định công đoạn xử lý, thời gian xử lý, trách nhiệm đối với từng cơ quan liên quan nên việc thực hiện không bị chồng chéo, đổ lỗi, đổ trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan.
+ Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được kiểm tra, đối chiếu với cơ quan BHXH sẽ tăng tính chính xác, hạn chế tối đa việc phải điều chỉnh hồ sơ sau khi có quyết định hưởng.
Qua 10 năm thực hiện chính sách BHTN, tính đến cuối tháng 5/2019, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 105.272 người; thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng cho 102.664 người; số người đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm 100.265 người; 298 người được hỗ trợ học nghề.
- Nhóm ngành nghề có số lượng người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cao đó là: May mặc, giày da; điện, điện tử.
- Tỷ lệ lao động nữ mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn lao động nam (chiếm tỷ lệ 69,8%); Nhóm tuổi 24 - 40 mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tới 64,9%. Do phải đối mặt với nhiều rào cản trên thị trường lao động - việc làm như: tồn tại sự phân biệt đối xử giữa lao động nữ và nam; hạn chế trong lựa chọn công việc (một số lĩnh vực lao động nữ không thể tham gia)...

 

TRUNG TÂM DVVL THANH HÓA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh