THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:33

Thanh Hóa: Hơn 5.000 ha đất chưa thể trồng lúa vì nắng hạn

Xã Phú Nhuận được xem là vựa lúa của huyện Như Thanh (Thanh Hóa), thế nhưng nắng hạn suốt một thời gian dài cùng với việc hồ, đập chứa nước khô hạn, xuống cấp không thể tích nước khiến cho nhiều diện tích đất canh tác trồng lúa của bà con không thể gieo trồng được.

Nắng nóng kéo dài, hồ, đập thiếu nước khiến cho nhiều diện tích đất trồng lúa tại xã Phú Nhuận không thể gieo cấy được

Ông Lê Văn Khánh, trưởng thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận cho biết: "Đợt nắng nóng đỉnh điểm với thời gian kéo dài không có mưa khiến cho việc sản xuất của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mạ giống gieo trồng không có nước nên nhiều nơi chết cháy, phần lớn đã quá tuổi nên không cấy được. Một số hộ tận dụng nguồn nước ở các bai, đập nhỏ để gieo trồng nhưng đến giờ nguồn nước dưỡng cây cũng đang cạn kiệt. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài khoảng 1 tuần nữa không có mưa thì các diện tích đất chưa  gieo trồng lúa được đành phải chuyển đổi sang cây trồng khác" – ông Khánh nói.

Theo thống kê của UBND xã Phú Nhuận cho biết, cả xã có hơn 385 ha đất trồng lúa nhưng mới chỉ gieo trồng được khoảng 40% diện tích. Số còn lại không thể gieo trồng được vì thiếu nước. Nhiều cánh đồng đã được người dân làm đất sẵn nhưng đành bỏ không. Trong số diện tích lúa đã gieo cấy được nhiều nơi đang thiếu nước dưỡng cây nghiêm trọng.

Mạ gieo trồng của người dân xã Phú Nhuận khô hạn, chết cháy vì thiếu nước

Ông Nguyễn Tiến Quý, Phó chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: "Hầu hết diện tích lúa đã gieo cấy được do người dân tự bơm nước. Phần diện tích đất còn lại không gieo cấy được do hồ chứa nước ở xã Mậu Lâm đã cạn kiệt. Hồ chứa nước Mậu Lâm là nguồn cung cấp nước chính cho hai xã Mậu Lâm và Phú Nhuận tuy nhiên nước giờ cũng trơ đáy. Nước tưới không đủ cung cấp cho cánh đồng xã Mậu Lâm thế nên người dân xã Phú Nhuận đành chịu.
Nhiều diện tích mạ giống của người dân không còn nước để tưới, chết cháy vì khô hạn. Đợt hạn hán năm 2010 hồ chứa nước Mậu Lâm vẫn cung cấp được 2/3 diện tích trồng lúa. Tuy nhiên vài năm trở lại đây khi có dự án nạo vét lòng hồ thì việc tích nước lại kém hơn. Việc khai thác quặng Cromit phía thượng nguồn của người dân cùng với việc nạo hút cát, sỏi của dự án đã làm cho lòng hồ phía dưới bị bồi lắng, nguồn sinh thủy bị chặn dòng khiến cho hồ cạn kiệt, không có khả năng tích nước phục vụ gieo cấy. Vào các đợt tiếp xúc cử tri gần đây người dân, chính quyền xã liên tục có kiến nghị lên huyện. Tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện…" – ông Quý cho biết.

Hồ chứa nước xã Mậu Lâm, nguồn cung cấp nước chính cho 2 xã Mậu Lâm, Phú Nhuận cạn kiệt, người dân phải tận dụng nguồn nước còn lại để chăm sóc diện tích lúa đã cấy

Ông Quách Minh Đức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh cho biết thêm: "Toàn huyện Như Thanh có khoảng 650 ha diện tích đất chưa thể gieo cấy lúa được do khô hạn, thiếu nước. Như Thanh có 113 hồ, đập chứa nước quản lý theo quyết định của tỉnh nhưng đến hiện tại 86 hồ, đập nằm dưới mực nước chết. Huyện đã lên phương án chỉ đạo các xã không cho người dân gieo cấy mạ già, mạ ống bởi ảnh hưởng đến năng xuất, sinh trưởng của cây lúa. Các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước còn lại để chăm sóc diện tích đã cấy. Thời hạn gieo cấy vụ thu mùa kết thúc vào 15/7. Sau thời hạn này các diện tích không gieo cấy được các địa phương có phương án chuyển đổi sang cây trồng khác như ngô, cỏ…để cung cấp cho trang trại nuôi bò sữa" – ông Đức thông tin.

Thông tin thêm về việc này, ông Vũ Quang Trung, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đến ngày 7/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 11.300 ha lúa. Hiện vẫn còn khoảng 5.080 ha chưa thể gieo cấy được vì khô hạn, thiếu nước. Ngoài huyện Như Thanh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hạn hán còn có các huyện như Quan Sơn với 558 ha, Quan Hóa 500 ha…chưa thể gieo cấy được. Sở nông nghiệp đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước ở một số nơi có mưa để gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc lúa đã gieo cấy để đảm bảo diện tích. Ngoài ra Sở cũng khuyến cáo bà con sau 10/7 nếu diện tích nào chưa gieo cấy được thì chuyển đổi sang trồng một số loại cây ngắn ngày làm thức ăn chăn nuôi, rau quả thời vụ… " – ông Đức nói.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh