Nắng nóng, khô hạn ảnh hưởng đến các địa phương
- Tây Y
- 14:06 - 23/06/2019
Người dân huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) dùng máy bơm dã chiến để cung cấp nước kịp thời cho lúa. Ảnh: HOÀI THU.
Nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài một đến hai ngày tới; ở Trung Bộ kéo dài nhiều ngày tới. Trên khu vực nam Biển Đông, vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
* Ngày 22/6, Tổng cục Thủy lợi cho biết, hai khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ có diện tích bị hạn là khoảng 11.656 ha. Cụ thể, khu vực Bắc Trung Bộ khoảng 9.627 ha, Nam Trung Bộ có khoảng 2.029 ha.
* Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An đã sửa chữa được 107 trong số 625 hồ chứa. Số hồ chứa còn lại hơn 500 hồ là hồ vừa và nhỏ, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố khi mùa mưa bão xảy ra.
* Tỉnh Thanh Hóa đến nay đã gieo cấy được 86 nghìn ha lúa mùa, đạt 70% kế hoạch. Tuy nhiên có gần 400 ha đất canh tác ở huyện Đông Sơn và huyện Tĩnh Gia thiếu nước cục bộ. Theo ngành nông nghiệp thì toàn tỉnh có gần 8.000 ha đất canh tác thiếu nước sản xuất.
* Hiện nay, mực nước ở các hồ chứa tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) ở mức thấp, chỉ đạt từ 40 đến 50% dung tích khiến nhiều diện tích lúa thiếu nước tưới. Vụ hè thu năm 2019, huyện gieo trồng 1.183 ha lúa.
* Tỉnh Nghệ An yêu cầu các nhà máy thủy điện phối hợp xả nước chống hạn. Hiện, nhiệt độ tại tỉnh cao phổ biến 37 đến 40 độ, có nơi hơn 41 độ; mực nước trên các triền sông suối xuống thấp, mực nước sông Cả tại thượng lưu cổng Nam Đàn thấp nhất xuống mức 0,5 m thiết kế 1,15 m.
* Vụ hè thu 2019, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) gieo cấy khoảng 4.060 ha lúa, 537 ha rau màu và các loại cây trồng khác. Hiện, có khoảng 700 ha lúa và 500 ha rau màu trên địa bàn bị ảnh hưởng nắng hạn, có nguy cơ chết cháy do thiếu nước...
* Tối 21/6, tỉnh Bình Dương có mưa lớn kèm theo gió lốc cực mạnh làm đổ một cột phát sóng lớn, sập hai nhà tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát và xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng; nhiều cây xanh bị đổ gãy. Chính quyền địa phương đang cùng người dân khắc phục sự cố.
* Do nắng nóng kéo dài, trong vòng chưa đầy một tháng, tại tỉnh Phú Yên đã xảy ra bốn vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 19,7 ha. Ngoài ra, qua ảnh vệ tinh đã phát hiện có hơn 600 điểm cháy do người dân đốt thực bì.
* Bộ Tài chính đã tạm cấp cho tỉnh Hải Dương 280 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tỉnh sử dụng nguồn ngân sách để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới cũng như khôi phục sản xuất. Lực lượng chức năng thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã cấp gần 400 lít hóa chất tiêu độc khử trùng, phát 400 tờ rơi hướng dẫn phòng DTLCP đến tận hộ chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh đến mức thấp nhất.
Chiều 21/6, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã công bố ổ DTLCP đầu tiên tại xã Lộc Ninh. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn 24 con của một hộ dân.
Nhằm đối phó với DTLCP, tỉnh Bình Định đã xuất kinh phí mua 269 tấn vôi bột hỗ trợ cho các huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Phù Cát... để các địa phương sát trùng chuồng trại và trên các tuyến đường ra vào vùng dịch.
Tỉnh Gia Lai đang xem xét mức giá hỗ trợ cho người dân có lợn con, lợn thịt các loại bị DTLCP phải tiêu hủy với mức 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra.