THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:09

Nông dân tìm nước tưới cứu cây trồng do khô hạn đến sớm

Nông dân tìm nước tưới cứu cây trồng do khô hạn đến sớm - Ảnh 1.

Cánh lúa bị khô hạn

Theo Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông (Đắk Lắk), tính đến thời điểm này, toàn huyện có 260/5.892 hecta cây trồng ngắn ngày bị khô hạn, trong đó có 159 hecta lúa nước, 58 hecta sắn, 23 hecta ngô tập trung ở các xã Cư Pui, Ea Trul, Cư Drăm, Yang Mao…

"Phần lớn diện tích khô hạn nằm ngoài kế sản xuất của địa phương; nông dân chủ yếu tận dụng nguồn nước tự nhiên từ khe suối để gieo trồng dẫn đến đối mặt với nhiều rủi do khô hạn. Với những diện tích cây trồng mất trắng, Phòng Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương thống kê danh sách để đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí cho người dân tái sản xuất trong vụ mới; còn những diện tích khô hạn có khả năng điều tiết nước được, Phòng lập các trạm bơm dã chiến đưa nước từ sông lên hoặc điều tiết nước từ công trình thủy lợi thác Krông Kmar về phục vụ nước tưới cho cây trồng" - ông Nguyễn Ngọc Cường, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông thông tin.

Nông dân tìm nước tưới cứu cây trồng do khô hạn đến sớm - Ảnh 2.

Khô hạn trên diện rộng

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 290 nghìn hecta cây trồng cần nước tưới trong vụ Đông xuân 2019-2020. Tuy nhiên theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đang quản lý 247 hồ chứa trên toàn tỉnh thì đã có 2 hồ cạn kiệt, 19 hồ mực nước dưới 50%. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk thông báo mực nước các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm, lượng dòng chảy phổ biến thiếu hụt ở mức 50-7% so với trung bình nhiều năm, mực nước ngầm cũng giảm sâu; mùa mưa có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Nông dân tìm nước tưới cứu cây trồng do khô hạn đến sớm - Ảnh 3.

Những cánh đồng bị khô hạn

Căn cứ thông tin đánh giá nguồn nước hiện tại (hồ chứa, sông suối và nước ngầm) khả năng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng rơi vào khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5, chủ yếu ở cây trồng lâu năm và một số diện tích nuôi trồng thủy sản. Khu vực bị hạn hán, thiếu nước sản xuất dự kiến tập trung tại các huyện Krông Bông, Ea Kar, Krông Pắk, Cư M'gar...

Giữa trời nắng gắt, em Cứ Thị Vàng (thôn Ea Uông, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) cắm cúi cắt đám lúa đang trổ đòng làm thức ăn cho bò. Em Cứ Thị Vàng cho hay, gia đình có 6 sào lúa đều bị cháy khô cháy vì thiếu nước. Em và mẹ phải thay phiên nhau cắt về cho bò ăn, hiện đã cắt hết 3 sào, số còn lại sẽ cắt tiếp trong những ngày tới.

Nông dân tìm nước tưới cứu cây trồng do khô hạn đến sớm - Ảnh 4.

Ruônhj lúa hư hỏng vì hạn

Cách đó không xa là ruộng lúa cháy khô của ông Lý Văn Tu (thôn Ea Lang, xã Cư Pui). Đứng giữa thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, ông Tu rầu rĩ: 3 sào lúa này là nguồn lương thực nuôi sống cả gia đình nhưng nay đã bị mất trắng. Năm nay hạn đến sớm, cây lúa đang thời kỳ làm đòng thì thiếu nước, xung quanh không có hệ thống kênh mương thủy lợi nên đành bỏ mặc cho nắng trời thiêu đốt. Không chỉ cây lúa, ngay cả ngô, sắn ông trồng trên rẫy cũng héo khô vì hạn.

Cùng cảnh ngộ, bà H' Nghen Niê (buôn Phung, xã Cư Pui) thuộc diện hộ nghèo có 5 sào lúa cũng bỏ cho bò ăn. Bà H' Nghen tâm sự: Khu vực này không có kênh mương thủy lợi, mùa vụ gieo trồng phụ thuộc vào "nước trời". Vụ này xuống giống được hơn một tháng thì trời dứt mưa, ruộng lại xa khu dân cư nên bà muốn cứu cũng đành bất lực. Mấy ngày nay, bà huy động đàn bò của người thân ra ăn hết đám lúa cho đỡ tiếc.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho hay: Diện tích khô hạn trên địa bàn chủ yếu là cây ngắn ngày (lúa hơn 87 hecta, mì 47 hecta, ngô 20 hecta). Diện tích này nằm dọc các khe suối, việc gieo trồng dựa vào "nước trời" nên người dân trở tay không kịp. Kinh phí dẫn nước, lắp trạm bơm cứu cây rất cao, thu hoạch không đủ chi phí nên đành bỏ.

Tương tự tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông) có 140 hecta lúa gieo trồng ngoài kế hoạch đã cháy khô; còn diện tích gieo trồng trong kế hoạch là 240 hecta nhưng có đến 90 hecta đang phải chống hạn. Thời gian đầu, nông dân dùng máy nổ của gia đình để bơm nước tưới không "đủ đô" nên UBND xã Ea Trul hợp đồng với HTX dịch vụ Nông Nghiệp vận hành máy bơm nước công suất lớn bơm nước từ sông Krông Ana lên. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX cho biết: Máy bơm hoạt động liên tục 24/24 giờ mới đủ "giải khát" cho 90 hecta lúa. Tình hình nắng hạn kéo dài, trạm bơm phải tiếp tục hoạt động đến cuối vụ (khoảng 1,5 tháng).

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND tỉnh ngày 22/1/2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán trong mùa khô, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn, hướng dẫn các địa phương triển khai phương án phòng, chống hạn đảm bảo phù hợp với tình hình nguồn nước từng vùng cụ thể. Ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; khơi thông dòng chảy kênh mương, chống thất thoát nước; chuẩn bị các trạm bơm dã chiến khi cần, tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm...

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh