THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:51

Thanh Hóa giảm nghèo hiệu quả từ trồng rừng

Trồng luồng năng suất cao

Với lợi thế cây luồng, vầu rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn 7 huyện miền núi Thanh Hóa, nhằm ngăn chặn tình trạng rừng luồng bị suy thoái và phát triển kinh tế cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng. Đến nay, khối lượng luồng sau khi trồng phục tráng đã tăng nhiều hơn trước; măng trồng to hơn và thu nhập người dân ngày càng được nâng cao.

Nằm giáp ranh với biên giới nước bạn Lào, huyện Quan Sơn có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân tại khu vực đường vành đai biên giới còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2021, UBND huyện Quan Sơn đã ban hành chương trình chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, phục tráng nhằm hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kĩ thuật mới cho người dân trồng luồng. Quan Sơn hiện có gần 14.000 ha rừng luồng, chủ yếu tại các xã Tam Lư, Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Tiến. Riêng trong năm 2020, Quan Sơn đã phục tráng 1.000 ha từng luồng với 729 hộ tham gia trong năm đầu tiên, hiện cây luồng đang phát triển tốt và dự kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cây vầu đắng

Theo thống kê của UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn cho biết, trên địa bàn xã có hơn 550 hộ trồng cây luồng. Cây luồng hiện là một trong số các cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn. Để cây luồng phát triển hiệu quả, năng suất cao, trong 5 năm qua UBND xã Tam Lư đã hỗ trợ mỗi hộ trồng luồng 3 triệu đồng/năm để mua phân bón cho cây; đồng thời, hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật. Được hỗ trợ phát triển kinh tế, nhiều hộ dân giảm nghèo, nhiều hộ cho thu nhập khá từ rừng luồng đạt từ 30-60 triệu/năm.

Ông Hà Văn Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư, tổng diện tích rừng luồng trên địa bàn xã là 900 ha và đã được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn mua phân bón cho các hộ dân và chuyển giao khoa học kĩ thuật nên trong 5 năm qua xã đã thâm canh, phục tráng được 480ha rừng luồng, số măng ra nhiều hơn lúc chưa phục tráng và đem lại giá trị kinh tế cao.


Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến tháng 5/2021, tỉnh Thanh Hóa đang có khoảng 79.000 ha rừng luồng, chủ yếu trên địa bàn các huyện gồm Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh, Cẩm Thủy…Dự kiến năm 2021, tỉnh Thanh Hóa sẽ thâm canh, phục tráng được 2.715 ha, góp phần thay đổi tập quán canh tác từ quảng canh sang thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cho người trồng luồng, xóa đói, giảm nghèo tại vùng miền núi.

Ông Hà Văn Hinh, bản Hậu, xã Tam Lư cho hay, cách đây 6 năm, gia đình ông có trồng 1 ha luồng kinh tế nhưng do phương thức trồng đã cũ, kinh nghiệm chưa có nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2016, ông Hinh được UBND xã Tam Lư hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua phân để trồng luồng mỗi năm và cán bộ ông nghiệp UBND huyện Quan Sơn hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong thâm canh, phục tráng rừng luồng, ông đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế rừng đồi lấy cây luồng làm cây mũi nhọn.

Năm 2018, ông quyết định trồng thêm 2ha cây luồng, 2ha cây vầu, keo, kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Đối với cây luồng, mỗi năm gia đình ông khai thác 2 đợt; trong đó, đợt 1 là phát quang, đợt 2 khai thác xen kẽ. Đến nay, trang trại của ông Hinh đã được mở rộng lên 6ha, bao gồm gần 4ha luồng, 2ha vầu, keo, cây hái quả… cho thu nhập bình quân đạt 100 triệu/năm, riêng mình luồng thu nhập đạt khoảng 50-60 triệu/năm.

Theo ông Hinh, cây luồng vốn là cây gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi vì cây không chỉ cho giá trị kinh tế, mà khi cây luồng trưởng thành còn góp phần chống xói mòn, sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Giúp dân giảm nghèo từ vầu đắng

Hơn 20 năm công tác và trưởng thành trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, từng gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc khu vực biên giới, từ các địa bàn khu vực Tây Bắc đến các huyện biên giới vùng sâu, vùng xa tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 12/2018, trên cương vị là Phó bí thư Đảng ủy xã Yên Khương, Thiếu tá Lò Văn Cần (Cán bộ tăng cường Đồn biên phòng Yên Khương) luôn trăn trở làm sao để người dân trong xã xóa bỏ tập quán lạc hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thanh Hóa giảm nghèo hiệu quả từ trồng rừng - Ảnh 3.

Trồng vầu ven đường tuần tra biên giới

Sau khi nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, anh đã đề xuất với Đảng ủy, Chỉ huy đồn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó đặc biệt là phát triển trồng cây vầu đắng. Bộ đội làm trước nhân dân làm theo, hàng vạn cây vầu đắng đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Yên Khương trồng dọc tuyến đường tuần tra biên giới và các khu đất trống, đồi trọc. Chỉ với thời gian chăm sóc hai năm, cây vầu đắng đã cho thu hoạch.

Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông huyện Lang Chánh cho biết, sau một thời gian triển khai, cây vầu đang phát triển và sinh trưởng tốt, có tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Diện tích vầu ở xã Yên Khương đã được mở rộng lên 215,4 ha, trong đó có 6 trên tổng số 9 bản với 215 hộ tham gia mô hình thu được kết quả tốt.

Ông Hà Văn Quỳnh ở bản Chí Lý Nặm Đanh, một trong những hộ dân trồng cây vầu hiệu quả với hơn 4ha. Ông Quỳnh cho biết: "Từ sự hướng dẫn của cán bộ Đồn biên phòng, gia đình tôi đã tổ chức trồng ngay. Tôi thấy trồng cây vầu rất hiệu quả. Trên 4ha đất hoang trước đây nay đã được phủ xanh cây vầu, có những cây vầu đắng cho đường kính từ 7 đến 10cm. Mỗi bộ vầu có tỷ lệ sinh măng mỗi lứa từ 5-7 cây. Rừng vầu của gia đình tôi đã có thể cho chặt tỉa và đem lại thu nhập cho gia đình. Năm tới gia đình tôi sẽ chuyển một số diện tích cây kém hiệu quả sang trồng vầu", ông Quỳnh nói.

Ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương phấn khởi cho biết: "Từ những mô hình phát triển kinh tế của Thiếu tá Lò Văn Cần, trong những năm gần đây, mô hình trồng vầu đắng tại xã Yên Khương đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con trong xã. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng thì năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,17%. Giá khai thác vầu đắng là 170.000 đồng/100kg. Một ngày, bình quân hai vợ chồng có thể khai thác 200-300kg. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích và lựa chọn vầu đắng là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Yên Khương đã thành lập được 2 hợp tác xã với gần 50 thành viên là các hộ gia đình tham gia, tổ chức sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây vầu đắng. 

Trong năm 2021, trên địa bàn toàn xã sẽ phát triển được hơn 500ha trồng cây vầu đắng. Theo tính toán cứ 1ha vầu đắng, từ năm thứ 3 sẽ cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Do đó, mô hình trồng vầu đắng sẽ là khâu then chốt để nhân dân địa phương thoát nghèo, sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới", ông Vi Văn Thu chia sẻ.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh