Thanh Hóa yêu cầu xử lý dứt điểm các trường hợp nợ đọng, trốn đóng BHXH
- Dược liệu
- 20:46 - 03/06/2021
Chiều 2/6, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã có 62.110 người được tạo việc làm mới; trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tạo việc làm mới cho 27.500 người. Về lĩnh vực người có công đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Về các lĩnh vực xã hội, Ngành đã tích cực phối hợp tham mưu triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù nhằm nâng cao đời sống của người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em được tăng cường...
Thông tin tại hội nghị, nhiều ý kiến được các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến công tác việc làm, bảo hiểm xã hội, người có công, công tác phối hợp giữa Ngành LĐ-TB&XH với các ngành, đơn vị liên quan, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khó khăn do thiếu biên chế ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở...
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho biết, Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, phát huy vai trò chủ động trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên các mặt công tác, bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế như: "Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết quả đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt thấp. Lực lượng lao động lành nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, các chuyên gia đầu ngành còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn".
"Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, làm số nợ BHXH tiếp tục tăng cao; việc tham mưu, xử lý, giải quyết chưa triệt để. Việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giới thiệu việc làm sau đào tạo cho người lao động hiệu quả còn thấp. Công tác quản lý lao động, nhất là lao động Thanh Hoá làm việc ở nước ngoài còn bất cập... Công tác giảm nghèo đã đạt những kết quả tương đối khả quan nhưng chưa thật sự bền vững, khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội còn lớn. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ lao động, việc làm, an sinh xã hội...", Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu: "Trên tinh thần kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, Ban lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm để cùng với tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của Ngành để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát hoàn thiện khung thể chế, các chương trình, đề án, kế hoạch, các cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, sát thực tiễn để cụ thể hóa, đưa nhanh Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống".
"Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cần cập nhật, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực thi chính sách BHXH, xử lý dứt điểm các trường hợp nợ đọng, trốn đóng BHXH. Tiếp tục tham mưu sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối... Tăng cường công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Quan tâm, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Đảm bảo 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách. Huy động các nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững; tạo môi trường cho trẻ em phát triển toàn diện; đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đẩy mạnh thực hiện phòng, chống tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành đoàn thể, nhất là phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ LĐ-TB&XH trong thực hiện nhiệm vụ được giao...", Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nói.