Thanh Hóa: Hàng trăm doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
- Pháp luật
- 17:27 - 30/05/2021
Chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm kèo dài
Theo thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 1.609 DN, đơn vị nợ bảo hiểm (chiếm 16% số đơn vị tham gia bảo hiểm) với tổng số tiền là 349 tỷ đồng. Trong số này, có 230 DN, đơn vị chây ỳ BHXH, BHYT, BHTN trên 12 tháng với tổng số tiền hơn 190 tỷ đồng; có 337 DN nợ khó thu vì mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các DN, đơn vị chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như: DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến thua lỗ, không có khả năng nộp BHXH; tình hình dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua, khiến hàng trăm DN tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn thực sự của các DN, đơn vị sản xuất, thì thực trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN còn xuất phát từ nguyên nhân của một số chủ sử dụng lao động chưa thực hiện tốt nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, khiến nhà nước gặp khó trong nguồn thu, quyền lợi chính đáng của người lao động bị xâm phạm. Thêm vào đó, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Theo số liệu của BHXH Thanh Hóa, trong số hàng trăm DN, đơn vị chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN có những DN với nhiều "thành tích" nợ số tiền lớn, nợ bảo hiểm của nhiều lao động, nợ kéo dài. Đơn cử như các DN thuộc tập đoàn Vinashin và một số DN có nguồn gốc Nhà nước khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường hoạt động kém hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài, như: Công ty CP xây dựng Hancorp.2 nợ 34 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama5 nợ 13 tỷ đồng; Công ty cổ phần Licogi nợ 9,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng số 5 nợ 12 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất và thương mại Ba Lan ở thị xã Bỉm Sơn nợ hơn 8 tỷ đồng… Trước thực trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài của hàng trăm DN, đơn vị, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đôn đốc nợ bảo hiểm tới người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động (nợ từ 3 tháng trở lên). Trong đó, nêu rõ các chế tài xử phạt nếu chậm đóng bảo hiểm, lộ trình dừng gia hạn thẻ nếu không khắc phục nợ; mức lãi phạt chậm, đồng thời so sánh với lãi vay ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, BHXH Thanh Hóa đã tăng cường việc thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp với thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các DN, đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên… nhưng đến nay vẫn có hàng trăm DN, đơn vị chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm.
Cần các biện pháp mạnh tay hơn nữa
Nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN không phải là vấn đề mới, song những rủi ro và ảnh hưởng nó gây ra là không hề nhỏ. Theo thống kê của BHXH Thanh Hóa, tính từ năm 2016, BHXH tỉnh này đã chuyển 22 hồ sơ của các DN, đơn vị chây ỳ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh nhưng chưa khởi kiện được đơn vị nào. Đồng thời từ năm 2018 đến nay đã chuyển 19 bộ hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra nhưng chưa có kết quả xử lý cuối cùng. Nguyên nhân là do việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với DN trốn, nợ đóng BHXH còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng thu, BHXH tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Trong số các DN, đơn vị nợ đọng bảo hiểm có những DN khó khăn thật sự, nhưng cũng không ít DN cố tình chây ỳ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động. Cơ quan bảo hiểm đã chuyển 41 hồ sơ các đơn vị nợ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh và cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm, nhưng vẫn chưa xử lý được đơn vị nào. Chế tài về công tác thu nộp BHXH chưa đươc thực hiện. Việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị nợ đóng bảo hiểm đang còn vướng trong thực hiện từ năm 2018 đến nay". Cũng theo ông Tuấn, việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các DN nợ bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều DN, đơn vị không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Công tác khởi kiện chưa được thực hiện: Theo Luật BHXH số 58/2014/QH13, từ ngày 1/1/2016 cơ quan BHXH không có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH mà giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn.
Còn ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, thời gian qua, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa và các Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Công thương, Ngoại thương, Liên Việt Chi nhánh Thanh Hóa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thanh Hóa để thu nợ BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn chưa đạt kết quả, vì phần lớn các DN nợ không phát sinh giao dịch tại các ngân hàng này hoặc không có số dư trên tài khoản.
Để giải quyết thực trạng chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm, thời gian tới, BHXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn để thu nợ BHXH, BHYT, BHTN trong các DN. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký tham gia, giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia và thụ hưởng. Triển khai đồng bộ việc giao dịch điện tử đối với tất cả các DN; thực hiện kết nối hệ thống thông tin giám định BHYT; tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, người lao động tại các DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, chủ động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan; các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt cần sự vào cuộc mạnh mẽ của tổ chức Công đoàn, cơ quan Tòa án, kiên quyết xử lý những DN vi phạm, trục lợi chính sách BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi chính đang cho người lao động.