Thanh Hóa: Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
- Pháp luật
- 00:21 - 09/11/2019
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 898.750 trẻ em dưới 16 tuổi, (chiếm 25% tổng dân số); số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 42.241 trẻ em (chiếm 4,7% tổng dân số trẻ em). Trong đó, 89% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau; số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 95.357 trẻ (chiếm 10,8%) tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 146 trẻ em bị xâm hại được phát hiện và xử lý. Trong đó, số trẻ em nữ bị xâm hại là 122 trẻ (chiếm 83,5%); số trẻ em nam bị xâm hại là 24 trẻ (chiếm 16,5%). Số trẻ em bị xâm hại cụ thể qua các năm là: năm 2015: 23 trẻ; năm 2016: 31 trẻ; năm 2017: 33 trẻ; năm 2018: 35 trẻ; 6 tháng đầu năm 2019: 24 trẻ. Độ tuổi trẻ em bị xâm hại chủ yếu rơi vào đối tượng trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi là 137 trẻ (chiếm 93,8%); trẻ em bị xâm hại dưới 6 tuổi là 9 trẻ (6,2%). Trong tổng số 146 trẻ em bị xâm có 112 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 76,7%), 22 trẻ em bị bạo lực (chiếm 15%); 01 trẻ em bị mua bán và 11 trẻ em bị các hành vi xâm hại khác (Bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn). So với giai đoạn 2011-2015 số trẻ em bị xâm hại có xu hướng tăng (tăng 20 trường hợp trẻ bị xâm hại) và có diễn biến phức tạp, nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
Theo các ngành trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ của tỉnh Thanh Hóa thống kê, những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại chủ yếu là những người đã thành niên. Trong đó, chủ yếu là nam giới; đối tượng mua bán trẻ em chủ yếu là nữ giới. Phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại như: bố dượng, bạn bè, hàng xóm, người có trách nhiệm chăm sóc, người quen của trẻ. Phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ để tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ, nhất là các vụ xâm hại tình dục mua bán trẻ. Khi tiếp cận được, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dụ dỗ trẻ như cho tiền, cho sử dụng điện thoại, rủ đi chơi..., đe dọa trẻ để thực hiện hành vi xâm hại.
Những năm qua tuy công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được các cấp, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và đã có những bước tiến đáng kể. Song, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện vẫn gặp phải những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và giải quyết. Cụ thể, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn xảy ra với tính chất vụ việc diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương trên địa bàn chưa thực sự quan tâm đúng mức, kịp thời đến công tác bảo vệ trẻ em cũng như chưa chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ. Trong khi kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ còn hạn chế; môi trường sống chưa bảo đảm an toàn và thân thiện cho trẻ. Vẫn còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý kéo dài hoặc xử lý chưa nghiêm... làm tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ, đi ngược lại với luân thường đạo lý, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, gây bức xúc dư luận.
Để đẩy mạnh phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 17/10/2018 về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai khác liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các địa phương cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em; tổ chức hiệu quả các hoạt động như: Tháng hành động vì trẻ em, ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, ngày gia đình Việt Nam và diễn đàn trẻ em các cấp; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em; huy động gia đình, nhà trường, xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đấu tranh hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em trong các trường học nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Đối với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nâng cao hiệu lực trong việc bảo vệ quyền trẻ em, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Nhất là các vụ án điển hình về xâm hại trẻ em được dư luận quan tâm cần kịp thời đưa ra xét xử nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ hiệu quả để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hướng đến mục tiêu mọi trẻ em đều được tạo cơ hội để thực hiện quyền cơ bản của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết: "Để đẩy lùi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; của các ngành, đoàn thể trên địa bàn về công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tăng cường tuyên truyền về Luật Trẻ em, công tác phòng chống xâm hại trẻ em bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng".