THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

Xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, trong hơn 3 năm (từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2019), cơ quan điều tra hai cấp của thành phố đã khởi tố 340 vụ/241 bị can về các tội xâm hại tình dục thì có tới 310 vụ/220 bị can là các tội về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 310/340 vụ - tương đương 91,17%, 220/241 bị can - chiếm 91,28%. 

Trong đó, năm 2016 số vụ án xâm hại tình dục trẻ em được can thiệp, xử lý là 94 vụ/72 bị can; năm 2017 là 76 vụ/44 bị can; năm 2018 là 81 vụ/59 bị can và sáu tháng đầu năm 2019 đã có 59 vụ/45 bị can bị khởi tố. Với số liệu hằng năm tăng, giảm nhưng có dấu hiệu tăng trở lại từ năm 2018 và đặc biệt tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm 2019 cho thấy tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến phức tạp.

Xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Đối tượng Ngô Ngọc An bị phạt 2 năm tù về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi".

Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, tình hình tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến phức tạp. nhiều vụ án xảy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong một thời gian dài mới phát hiện. Điều này thể hiện sự suy đồi đạo đức nghiêm trọng, coi thường sức khỏe và nhân phẩm của trẻ em, không tôn trọng thần phong mỹ tục, gây bức xúc trong dư luận xã hội như cha đẻ xâm hại tình dục con gái, thầy giáo với học sinh…Có vụ xâm hại tình dục trẻ em mà người thực hiện hành vi phạm tội từng giữ chức vụ quản lý trong cơ quan tố tụng, là giáo viên…

Trên thực tế, công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn. Theo Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, một số vụ việc không được trình báo ngay sau khi phát hiện mà hai bên tự thỏa thuận với nhau, đến khi thỏa thuận không được thì gia đình nạn nhân mới tố giác. Khi đó tài liệu chứng cứ, dấu vết liên quan đã bị mất hoặc khó thu thập nhằm chứng minh tội phạm hay đối tượng đã bỏ trốn, không có thông tin để truy xét. Có trường hợp, sau một thời gian tố giác tội phạm, gia đình nạn nhân rút đơn tố giác, đề nghị không xử lý, không hợp tác với cơ quan điều tra, gây nhiều khó khăn trong việc củng cố chứng cứ để khởi tố, điều tra.

Các cơ quan điều tra, tố tụng TP Hồ Chí Minh đã tập trung xử lý, đưa ra xét xử nhiều vụ án, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và sự quyết liệt của cơ quan chức năng đối với loại tội phạm này. Theo đó, Tòa án nhân dân quận Bình Tân đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Ngô Ngọc An (63 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) 2 năm tù về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi". Theo nội dung vụ án, tối 12/5, bị cáo An vào một con hẻm ở quận Bình Tân tìm bạn tên Hòa thì thấy cháu T.K (7 tuổi) đang đi bộ. Lợi dụng chỗ vắng người, An đã kéo cháu lại rồi túm áo, thực hiện hành vi dâm ô. Quá trình xử lý vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Tân đã phê chuẩn và Công an quận thực hiện ngay lệnh bắt tạm giam đối với An. Hành động này rất kịp thời, nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội.

Trong phiên tòa xét xử vụ việc nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, Tòa án nhân dân Quận 4 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Linh mức án 1 năm 6 tháng tù về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi". Suốt gần 4 tháng trước khi bị tuyên án, dù ông Linh không thừa nhận hành vi phạm tội, kết luận giám định cũng cho rằng không đủ cơ sở kết luận ông Linh có chạm vào phần thân phía trước của nạn nhân không nhưng Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân Quận 4 vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Xét xử sơ thẩm lần 2, Tòa án nhân dân Quận 4 đã tuyên phạt ông Linh mức án như trên và người dân cho rằng bản án đã tuyên đúng người, đúng tội.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, dù thực tế có nhiều khó khăn nhưng TP Hồ Chí Minh luôn đảm bảo kinh phí, đầu tư theo nhu cầu thực tế cho công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhiều vụ việc "nóng" được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao.

UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc kiểm tra thực hiện quyền trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước và phòng ngừa lao động trẻ em. Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật xóa bỏ định kiến về giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em để cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ, gia đình, cộng đồng dân cư, trẻ em hiểu đúng, nhận thức đủ quyền của mình, mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm hại, biết cách phòng, ngừa tội phạm xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về kết quả xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, thông tin về người bị hại để theo dõi, giúp đỡ kịp thời những đối tượng này.

Đ.THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh