THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:41

Thanh Hoá: “Cú hích” cho giảm nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững

Thanh Hoá là một trong 8 tỉnh của cả nước được Chính phủ chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và Chương trình giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2012-2015. Chính sách giảm nghèo, GQVL luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. 

Đặc biệt, với các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn... đều có chính sách, chế độ và các dự án ưu tiên, được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp sát thực mang lại hiệu quả cao, giúp các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh thay đổi, giúp người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cải thiện đáng kể điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh của nhân dân.

Nhờ đó, giai đoạn 2016-2029, toàn tỉnh Thanh Hoá đã giảm được hơn 96.600 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 13,51% năm 2016 giảm xuống còn 3,27% cuối năm 2019. Đã có 1 huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a; 24 xã bãi ngang ven biển, 5 xã và 55 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Người nghèo và cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng đầy đủ và tốt hơn, 100% khẩu cận nghèo được mua bảo hiểm y tế, 95% hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90% hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ thông tin truyền thông, có hơn 30.000 hộ nghèo xây được nhà ở kiên cố.

Thanh Hoá: “Cú hích” cho giảm nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững - Ảnh 1.

Hỗ trợ bò cho hộ nghèo ở huyện Như Xuân - Thanh Hoá

Riêng năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành 41 văn bản chỉ đạo điều hành về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 (trong đó có nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình MTQG về giảm nghèo); tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; trường hợp không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các chương trình, dự án trong quá trình thực hiện; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch sang cho những dự án có tiến độ thực hiện nhanh, còn thiếu vốn.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và yêu cầu giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2020. Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3934/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh dự toán kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Theo đó, đã thực hiện điều chỉnh giảm dự toán đã giao cho các đơn vị từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để tập trung: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135; Dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025 theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1170/QĐ-BNN-KTHT ngày 30/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề cương hướng dẫn dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng năm 2020 thuộc Chương trình hành động Quốc gia "không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025, với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng.

Nhìn chung, Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt và đạt khá so với kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5%/năm, cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện miền núi luôn cao hơn 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó 7 huyện nghèo cao gấp 2,2 lần bình quân chung toàn tỉnh; vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét; thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,17 lần so với năm 2015. 

Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được tăng cường; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng được tăng cường; trình độ, tay nghề, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, đời sống ngày càng phát triển; hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng ngày càng được giữ vững. 

Đã có huyện Như Xuân (là một trong 8 huyện của cả nước) thoát khỏi tình trạng ĐBKK theo Nghị quyết 30a, 24 xã bãi ngang ven biển, 05 xã và 55 thôn, bản ĐBKK khu vực miền núi thoát khỏi diện ĐBKK; các phường: Ba Đình, Điện Biên, Trường Thi, Lam Sơn, Đông Vệ, Ngọc Trạo, Đông Sơn và các xã Đông Tân, Đông Hưng, Quảng Thịnh của thành phố Thanh Hóa; thị trấn Rừng Thông của huyện Đông Sơn không còn hộ nghèo; nhiều xã, phường chỉ còn hộ nghèo bảo trợ xã hội (không còn lao động, khó có khả năng thoát nghèo).

Được biết, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phong trào đã làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Vũ Thị Hương cho biết: "Với những kết quả đạt được, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 2,5%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; vấn đề GQVL, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tăng cường; các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn".

"Mặc dù, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và yêu cầu giãn cách xã hội của Chính phủ nhiều lao động bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập, nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp buộc phải cắt giảm lao động thậm chí ngừng hoạt động sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 nhưng dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Thanh Hóa vẫn giảm được khoảng 0,95% so với đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn lại 2,32%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước" – Giám đốc Vũ Thị Hương thông tin thêm.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh