Thanh Hóa: Nỗ lực giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi
- Dược liệu
- 16:30 - 25/05/2021
Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (MTQGGN) nhanh và bền vững, tại các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, tỉnh Thanh Hóa có 102 xã, 7 thị trấn. Trong đó, có 71 xã thuộc Chương trình 135 (giai đoạn 2016 - 2020); diện tích của 7 huyện là 593.048 ha (chiếm 53% diện tích toàn tỉnh); có 106.083 hộ, 453.512 khẩu, trong đó: có 18.412 hộ nghèo (chiếm 17,36%), 20.963 hộ cận nghèo, (chiếm 19,76%); có 83.012 hộ và 360.799 khẩu dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 78,25% số hộ, trong đó: có 17.235 hộ nghèo DTTS, chiếm 93,6% số hộ nghèo, 18.525 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 88,37% số hộ cận nghèo; cơ cấu GRDP: nông nghiệp 33,2%, công nghiệp 21,0%, dịch vụ là 45,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình MTQGGN nhanh và bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó, phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Từ các chính sách của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135… dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa, hàng nghìn hộ nghèo tại các huyện miền núi xứ Thanh đã được hỗ trợ thoát nghèo. Thanh Hoá đã tập trung vào 4 chính sách lớn nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo như: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phát triển dạy nghề nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Sau hơn 11 năm (2009 - 2020) triển khai Nghị quyết 30a, tỉnh Thanh Hóa đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 1.234 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 247 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, khoán chăm sóc bảo vệ 917.937 ha rừng tại các huyện nghèo… Có 70.172 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình, trong đó có 17.543 hộ đã thoát nghèo. Ngoài ra, việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện Chương trình 30a tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, từ năm 2016 đến 2019 được tỉnh Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả. Có 120 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng như: công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Từ Chương trình 135, đã thực hiện đầu tư khởi công mới 1.067 công trình và duy tu bảo dưỡng 125 công trình thiết yếu các loại. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 337.765 lao động, mỗi năm có hơn 10.000 người đi XKLĐ.
Anh Lê Minh Hải, thôn 8, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân là một trong những hộ thoát nghèo và làm giàu nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước. Năm 2015 từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, gia đình anh đầu tư trồng 10ha cam và chăn nuôi lợn rừng. Đến nay, mỗi năm gia đình anh Hải thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 8 lao động (vụ mùa khoảng 40 lao động), thu nhập 7 triệu đồng/tháng/người. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa Lê Đình Tuấn khẳng định: "Chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 30a, chương trình 135 là "cú hích" quan trọng, giúp hàng trăm hộ trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều gia đình giờ không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu, là ông chủ trên chính mảnh đất thân yêu của mình".
Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho hay, từ năm 2016 đến nay, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao đã thu được kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,56%/năm, thu nhập hộ nghèo tăng 1,74 lần, cơ sở hạ tầng thiết yếu không ngừng tăng cường, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đều giảm, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Đời sống người dân miền núi đã đổi thay rõ rệt
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương, công tác giảm nghèo (GN) nhanh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ GN của các huyện miền núi bình quân giai đoạn 2013 - 2015 mỗi năm giảm 5,5%, giai đoạn 2016 – 2020 mỗi năm giảm 4,02%, có 1/7 huyện thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (huyện Như Xuân- tháng 3/2019), có 5 xã và 30 thôn, bản đặc biệt khó khăn khu vực 11 huyện miền núi hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020; có 72 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 33,1 triệu đồng (tăng 22,5 triệu đồng so với năm 2014, tăng 23,1 triệu đồng so với năm 2012). Sản xuất công nghiệp trên địa bàn miền núi tăng trưởng nhanh và ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 tăng bình quân năm là 22,2%, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân của tỉnh (17,2%); năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.309 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2014. Đáng chú ý, các huyện miền núi đã phát triển du lịch cộng đồng, đón 5,7 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,2%/năm.
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực miền núi được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Tổng vốn đầu tư xây dựng đạt trên 80 nghìn tỷ đồng (bình quân 11,4 nghìn tỷ đồng/năm). Đến nay, 100% số xã miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 92 % các thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 52,2% thôn bản có đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp; 91% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;
100% các xã thuộc khu vực miền núi có điện lưới quốc gia; 99,8% hộ dân miền núi dược dùng điện lưới quốc gia; 100% (11/11) bệnh viện đa khoa huyện được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; 100% trạm y tế xã, y tế thôn bản thuộc 11 huyện miền núi được hỗ trợ trang thiết bị y tế, 88,6% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 11 huyện miền núi có 672 trường, trong đó 391 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 51% xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục; 7/11 huyện có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, 133/175 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa xã và hội trường đa năng, 55% thôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao; 100% trung tâm các xã có mạng truyền dẫn cáp quang và được phủ sóng thông tin di động; 98% hộ đồng bào được xem truyền hình, 95% được nghe đài phát thanh…
Trước những kết quả đã đạt được trong công tác GN, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa Vũ Thị Hương khẳng định: "Trong thời gian tới ngành LĐ-TB&XH sẽ nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao, hành động quyết liệt; tích cực phối hợp với các ngành, địa phương nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác GN tại các huyện miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 58-NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa cuộc sống của người dân khu vực miền núi của tỉnh phát triển bền vững và thực sự ấm no, hạnh phúc".