THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:06

Thanh Hóa: Chưa nhận xử lý bất kỳ chất thải độc hại nào từ Formosa

Liên quan đến thông tin Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn ký hợp đồng xử lý 400 tấn rác thải độc hại từ Formosa, chiều 12/9, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Sinh, ông Nguyễn Văn Thi – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ kg nào chất thải độc hại từ Formosa Hà Tĩnh được vận chuyển về xử lý tại Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn”.

Ông Nguyễn Văn Thi – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn

và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngay sau khi nghe được thông tin, ngày 6/9, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn và yêu cầu Công ty phải có văn bản báo cáo và thực hiện đúng quy trình. Ban quản lý đã gửi văn bản số 1712/BQLKKTNS&KCN-TNMT ngày 7/9 yêu cầu Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn nếu vận chuyển và xử lý 400 tấn chất thải nguy hại từ Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thanh Hóa đồng ý chấp thuận về mặt chủ trương, quy trình và sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.

“Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có giới thiệu để Công ty môi trường Nghi Sơn để  xử lý gần 400 tấn rác thải nguy hại của Formosa, bởi vì công ty này có giấy phép, đủ điều kiện trang thiết bị công nghệ để xử lý rác thải nguy hại. Tuy nhiên, giữa hai bên mới chỉ tiếp xúc, đặt vấn đề chứ chưa có thỏa thuận, hợp đồng chính thức” – ông Thi nói.

Ông Nguyễn Văn Thi cũng cho biết thêm, Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn đã được các chính sách hỗ trợ để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải nguy hại, công nghiệp, y tế và sinh hoạt tại khu kinh tế Nghi Sơn và đã đi vào hoạt động 1 năm. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ công nghệ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan cấp phép cho hoạt động.

Theo luật doanh nghiệp, khi Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn có đủ điều kiện hoạt động, xử lý rác thải nguy hại thì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, số rác thải nguy hại này đang nằm trong một vụ án điều tra về môi trường nên chúng tôi cũng khuyến cáo và đề nghị Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn không được phép xử lý trong khi chưa được các cơ quan hữu quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận, đồng ý. "Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ kg nào chất thải độc hại từ Formosa Hà Tĩnh được vận chuyển về xử lý tại Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn. Phía Công ty cổ phần môi trường Nghi Sơn cũng khẳng định không thực hiện việc xử lý chất thải này bởi chi phí vận chuyển cao, điều kiện đảm bảo an toàn cho cả 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa rất khó"-ông Thi khẳng định

Về việc có hay không hiện tượng cá tự nhiên và cá lồng chết tại xã Tĩnh Hải, xã Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia trong các ngày từ 5 - 9/9 có liên quan đến việc xả thải ra môi trường tại khu kinh tế Nghi Sơn? ông Nguyễn Văn Thi khẳng định, vấn đề ô nhiễm môi trường tại Nghi Sơn là chưa xảy ra. Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, Ban đã phối hợp với Sở tài nguyên môi trưởng tỉnh Thanh Hóa, công an, huyện Tĩnh Gia tiến hành lấy mẫu tại các vị trí xảy ra cá chết gửi các nghành chức năng để tiến hành kiểm tra. "Qua phân tích mẫu nước biển của các cơ quan chức năng, cá chết do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Hiện tại, kết quả phân tích mẫu cá chết chúng tôi vẫn đang đợi kết luận cuối cùng từ Bộ NN&PTNT” – ông Thi nói.

 Báo cáo xác đinh nguyên nhân cá chết của Sở tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hóa

Trước đó, như Báo điện tử Dân Sinh đã thông tin, trong các ngày từ 5-6/9, ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản gần bờ phía sau Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cách bờ biển 300-500m đã phát hiện một số loài hải sản như cá bơn, cá thèn, ghẹ… chết bất thường và trôi dạt vào bờ biển. Hải sản tự nhiên chết thu gom được khoảng 100kg.

Đến 7h ngày 8/9, tại khu vực nuôi cá lồng của người dân xã đảo Nghi Sơn xảy ra hiện tượng cá lồng chết rất nhanh với số lượng lớn. Theo thống kê của UBND xã Nghi Sơn có 21/66 hộ dân có cá lồng chết, với số lồng cá chết là 207/1.391 lồng, tổng số lượng cá chết là 47,45 tấn, gồm các loại cá mú, cá hồng, cá hồng đỏ, cá vược…

Cũng trong ngày 8/9, người dân dọc bờ biển thôn Bắc Yến, xã Hải Yến (huyện Tĩnh Gia) lại phát hiện cá tự nhiên bị chết trôi dạt vào bờ biển, tổng khối lượng thu gom khoảng 200kg (gồm các loại cá bơn, cá thèn, ghẹ…). Tại vị trí cá lồng cá chết có khối nước màu nâu đỏ.

Số cá lồng chết tại xã Nghi Sơn được người dân thu gom lại

Kết quả phân tích mẫu nước của Viện nghiên cứu tài nguyên môi trường biển Hải Phòng cho thấy: Tại khu vực cá lồng chết ở xã Nghi Sơn có loài tảo Hairoi – Creratium furca nở hoa gây thủy triều đỏ với mật độ khoảng 8 triệu tế bào/ 1 lít nước biển.

Tại khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mật độ tảo Creratium furca thấp hơn, chỉ đạt 500.000 tế bào /1 lít nước biển.

Bước đầu xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên, cá lồng bị chết là do tác động của loài tảo Hairoi – Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng, còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.

Hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chính đối với vùng biển Tĩnh Hải và Nghi Sơn (của huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa) là do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ vào cửa sông ra biển.

Anh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh