THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:33

Tìm “lối đi mới” trong chiêu sinh ở các trường trung cấp, cao đẳng

 

Thí sinh Việt Nam dự thi Kỳ thi tay nghề ASEAN luôn giành được giải cao ở các nghề công nghệ cao (ảnh Phạm Tuấn)

Nỗi lo thiếu sinh viên

Theo thống kê ở nước ta hiện nay có khoảng trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này phần nào cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội nên rất khó tìm việc, trong khi, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, song, phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung.

Thế nhưng, quan niệm “trọng bằng cấp” vẫn còn đang ăn sâu trong suy nghĩ của phần lớn các bậc phụ huynh và học sinh khiến cho việc thu hút thí sinh dự thi vào trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, năm 2017 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn vào các trường ĐH. Điều kiện xét tuyển cũng thuận lợi đó là cùng với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, năm nay, gần 300 trường ĐH sẽ xét tuyển bằng học bạ. Cổng trường ĐH dường như đang rộng mở hơn đối với các thí sinh… Ngược lại vốn đã khó tuyển sinh, năm nay khối trường TC, CĐ thuộc Bộ LĐ-TB&XH càng thêm khó, nguy cơ không đủ chỉ tiêu tuyển sinh là rất lớn.

 

Giờ thực hành của sinh viên Trường CĐ Công Nghệ cao Hà Nội.

 

Trước tình hình trên, một số trường CĐ,TC tại Hà Nội, TP.HCM đã quyết định điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét tuyển. Ở khu vực phía Nam, năm 2016, vì chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu đối với bậc cao đẳng và 37,5% cho bậc TC nên năm nay. Trường CĐ Bách Việt đã giảm bớt chỉ tiêu xét tuyển xuống còn 2.200 sinh viên bậc cao đẳng và 800 sinh viên cho bậc trung cấp. Không xét tuyển đủ chỉ tiêu suốt 2 năm qua, năm nay, công tác tuyển sinh của Trường TC Vạn Tường sẽ còn khó khăn hơn.

Theo Thầy Lê Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương Việt Nam cho biết: “Học sinh bây giờ tốt nghiệp phổ thông trung học, chỉ cần xét học bạ là đã thấy cơ hội vào đại học rất lớn. Như vậy, thị phần của bậc trung cấp đến với người học rất thấp vì tính phổ biến bị hạn chế, khi mà bây giờ được coi như là phổ cập đại học”.

“Tiếp thị quảng cáo” mình để thu hút thí sinh

“Đốt đuốc đi tìm thí sinh” là câu cửa miệng khá quen thuộc của hiệu trưởng các trường nghề mỗi khi mùa tuyển sinh đến. Để có được học sinh, nhiều trường nghề đã tìm tìm đủ mọi cách để “tiếp thị” quảng cáo trước kỳ thi tuyển sinh vài tháng hay phát tờ rơi nhiều điểm trường để tranh thủ giới thiệu.

Thầy Nguyễn Đức Toàn, Phó hiệu trưởng, Trường CĐN Cơ điện Xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) tâm sự: “Những năm gần đây trường gặp nhiều khó khăn cho trong công tác tuyển sinh, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng chuyên nghiệp cùng theo đó là mức độ cạnh tranh về ngành học ngày càng khắc nghiệt”. Thầy Toàn cho biết thêm: “Trường đã đưa ra nhiều chính sách giảm học phí, tư vấn giới thiệu việc làm, phát triển những ngành nghề chủ lực… vì vậy lượng thí sinh đăng ký học ngày càng tăng. Kỳ tuyển sinh năm 2016, mặc dù không đạt 100% chỉ tiêu theo đăng ký nhưng trường cũng đạt 75-85%. Để đạt được kết quả đó không phải cơ sở dạy nghề nào cũng làm được nếu thiếu linh hoạt trong tuyển sinh”.

 

Mặc dù được tuyên truyền nhiều về học nghề nhưng thí sinh vào các trường CĐ, TC vẫn còn hạn chế vì tâm lý chuộng bằng cấp.

 

“Hiện nay các ngành nghề kỹ thuật như hàn, cơ khí, mộc khó tìm được thí sinh nhưng ở một số ngành nghề khác lại thu hút nhiều thí sinh đăng ký như: Kỹ thuật xây dựng, thiết kế kiến trúc, thiết kế đồ họa… “Cả phụ huynh và học sinh không thích cho con học ngành nặng và sợ vất vả, lương lại không nhỉnh hơn lao động phổ thông là mấy”, thầy Toàn cho biết thêm.

Theo lãnh đạo các trường nghề, những năm trước các trường nghề phải đợi thí sinh không đậu đại học đăng ký vào học, cánh cửa các trường nghề luôn mở rộng cửa nhưng càng ngày càng khó tuyển sinh, máy móc thì bỏ không. Từ thực tế đó, trước mỗi mùa tuyển sinh, nhà trường phải chi phí hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng để tăng cường tiếp thị, quảng bá các ngành nghề đến tận tay phụ huynh và thí sinh. Trang Website của trường cũng được đầu tư công phu với những thông tin quảng bá hấp dẫn.

Thầy Nguyễn Đức Toàn chia sẻt: “Để thu hút thí sinh, mỗi năm trường phải tiêu tốn khá hiều tiền cho việc quảng bá các ngành ghề, như đăng báo, in ấn phát tờ rơi…Thậm chí trường phải thành lập “tổ công tác” để đến các điểm trường trung học phổ thông, vùng nông thôn miền để tư vấn tuyển sinh”.

Thầy Toàn cũng cho biết thêm, năm vừa qua lần đầu tiên phối hợp với chính quyền huyện Mường Tè (Lai Châu), Điện Biên mở các lớp trung cấp nghề lâm nghiệp, chế biến lâm sản cho hàng trăm học sinh là người dân tộc thiểu số.

Chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra việc làm

Theo đó, để chạy đua với cuộc tuyển sinh, nhiều trường TC, CĐ đã nỗ lực chuyển đổi chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy nghề, kết nối đào tạo với nhu cầu việc làm thực tế của DN… Thầy Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 là 5.000 chỉ tiêu cao đẳng và 1.000 chỉ tiêu TC. Bên cạnh việc tăng cường, mở rộng kênh thông tin tuyển sinh, nhà trường còn tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo như xây dựng chương trình đào tạo  theo chuẩn quốc tế. Chú trọng phát triển mảng thực hành cho sinh viên. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi ra trường….

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ, để tồn tại và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt như hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp chỉ còn cách tự thân vận động. Do đó, thay vì chọn giải pháp giảm chỉ tiêu, nhà trường quyết định tìm lối đi khác trong mùa tuyển sinh năm nay.

Kỳ tuyển sinh năm 2017, nhà trường xét tuyển đến 2.700 chỉ tiêu bậc cao đẳng và 600 chỉ tiêu bậc trung cấp. Để đảm bảo đầu vào, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, cập nhật thêm nhiều chương trình mới, triển khai nhiều dự án hợp tác giáo dục quốc tế, đi tư vấn trực tiếp tại hệ thống trường trung học phổ thông ở nhiều tỉnh thành, nhà trường còn quan tâm đến nhóm đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có nhu cầu được đào tạo nghề.

 

Ông Lê Đại Hùng, CTHĐQT Trường CĐ Công Thương Việt Nam trong buổi lễ ký kết hợp tác với doanh nghiệp tạo đầu ra cho sinh viên sau khi ra trường.

 

Thầy Lê Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐ Công Thương Việt Nam cho hay: Để hạn chế sinh viên thất nghiệp khi ra trường và giúp doanh nghiệp tuyển được lao động có tay nghề, doanh nghiệp và nhà trường cần phải có sự phối hợp. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, trường chúng tôi đã chọn cho mình lối đi riêng, đã “bắt tay” chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan.

Được biết, việc nhà trường cam kết với học sinh, sinh viên đầu ra việc làm những năm gần đây không còn là việc mới. Tuy nhiên, việc một trường dám cam kết bằng hợp đồng với phụ huynh và học sinh, sinh viên 100% sau ra trường có việc làm là một hành động đầy bản lĩnh trong xu thế hội nhập. Một trong những trường tiên phong trong vấn đề nêu trên có thể kể đến Trường CĐ Công Thương Việt Nam.

Thầy Lê Hữu Dũng cho biết thêm: “Để làm được điều cam kết là việc không hề dễ dàng, nhà trường  không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế với các mô hình đào tạo nước ngoài, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI  tham quan mô hình đào tạo của nhà trường. Sau thực tế kiểm chứng các đối tác mới chính thức đặt bút ký hợp đồng với nhà trường, về đầu ra cho sinh viên”.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn về thị trường lao động, các doanh nghiệp đang “khát” lao động chất lượng đã qua đào tạo. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chất lượng nguồn lao động đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Có thể điều này chỉ đúng trong việc lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi trên thực tế doanh nghiệp phần lớn sử dụng lao động chưa qua đào tạo. Để có một lao động qua hệ Trung cấp nghề, có kiến thức cơ bản tỉnh đã phải đầu tư nhiều triệu đồng chẳng lẽ lại không đáp ứng bằng lao động chưa qua đào tạo như doanh nghiệp vẫn tuyển hay sao? Đã đến lúc chính quyền các cấp cần có những tác động, xây dựng cơ chế  nhằm tránh tình trạng sử dụng nguồn nhân lực theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” như hiện nay.   

Một giải pháp hiệu quả khác, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh dưới mọi hình thức để làm thay đổi nhận thức của nhân dân cũng như lớp trẻ hiện nay về công tác đào tạo nghề. Hầu hết học sinh học nghề khi ra trường bây giờ đều dễ tìm việc làm, thậm chí có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc phù hợp. Trong khi không ít sinh viên học ĐH, CĐ ra trường không có việc làm, vì ngành nghề đào tạo không phù hợp, hoặc số có bằng cấp quá nhiều, khó cạnh tranh khi kiếm một chỗ làm.

Ngoài ra, giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề cũng cần có sự liên kết chặt chẽ trong vấn đề đào tạo và tuyển dụng. Trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố cũng nên có cơ chế hỗ trợ cho các trường nghề cũng như chế tài bắt buộc trong công tác tuyển dụng lao động đối với các doanh nghiệp, để khuyến khích, thu hút lớp trẻ học nghề. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của các tỉnh.

Đối với các trường và cơ sở đào tạo, trước khi có những giải pháp tác động tích cực đến công tác tuyển sinh học nghề phải chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, để vừa thu hút học sinh, vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật hiện nay.

PHẠM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh