THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:54

Thanh Hoá: Chăm lo gia đình chính sách là tri ân, là việc làm thường xuyên

Nhân dịp 74 năm ngày TB-LS, phóng viên báo LĐ&XH có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá Vũ Thị Hương về công tác thực hiện chính sách và chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

PV: Xin Giám đốc cho biết công tác thực hiện chính sách và chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong những năm qua?

Giám đốc Vũ Thị Hương: Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và yêu nước đã góp nhiều sức người, sức của cùng với Nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn người con Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường tham gia các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Nhiều địa danh, tên người được ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. 

Toàn tỉnh hiện có 350.141 người có công, trong đó có 4.625 bà mẹ VNAH, hiện có 111 bà mẹ còn sống; cán bộ lão thành cách mạng gần 500 người, cán bộ tiền khởi nghĩa gần 900 người; gần 56.000 liệt sĩ, gần 44.000 thương binh, hơn 15.000 bệnh binh, hơn 100 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; gần 15.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...

Thanh Hoá Chăm lo gia đình chính sách là tri ân, là việc làm thường xuyên - Ảnh 1.

Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá thăm và viếng nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị)

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, tập trung thực hiện chính sách ưu đãi NCC, giải quyết triệt để hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC. Xây dựng và lan tỏa phong trào: "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng"; phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".

 Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về ưu đãi NCC là hết sức quan trọng, nhằm đưa hệ thống văn bản pháp quy đến tất cả các cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH từ tỉnh đến xã và thôn, bản cùng Nhân dân trong tỉnh; nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân và thế hệ trẻ trong việc chăm sóc đời sống cho NCC. Sở đã tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật ưu đãi NCC với các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương và địa phương, tuyên truyền, phổ biến quy định về ưu đãi NCC đến tận thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 4 lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Sở LĐ-TB&XH, góp phần tuyên truyền sâu rộng và minh bạch hóa thông tin đến cơ sở và người dân, nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện chính sách.

Nhân dịp 74 năm ngày TB-LS, Thanh Hoá đã có những hoạt động gì cho ngày này?

Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo Tỉnh đoàn tổ chức "Thắp nến tri ân" các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh và các đài tưởng niệm, bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ ở các địa phương; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho hơn 200 gia đình người có công với cách mạng.

Thanh Hoá Chăm lo gia đình chính sách là tri ân, là việc làm thường xuyên - Ảnh 2.

Bí thư tỉnh Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng thăm và tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp 27/7/2021

Công tác thương binh, liệt sĩ, chăm sóc NCC đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc. Trong 7 năm (2013-2020), toàn tỉnh đã vận động thu Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được gần 122 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; hỗ trợ thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám, chữa bệnh... Bên cạnh đó, đã vận động 1.003 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, hơn 99,8% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân ở nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.

Thanh Hoá: Chăm lo gia đình chính sách là tri ân, là việc làm thường xuyên - Ảnh 3.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thăm và tặng quà cho TT ĐD NCC Thanh Hoá nhân dịp 74 năm ngày TB-LS 27/7/2021

Toàn tỉnh có 4.625 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đến nay có 111 mẹ còn sống và 100% các mẹ đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, mà còn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi đau ốm; nhiều đơn vị còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình các mẹ. Đến nay, toàn tỉnh có 29.190 hộ thuộc diện được hỗ trợ, trong đó xây mới 10.502 hộ, sửa chữa 10.688 hộ với tổng kinh phí gần 633.840 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã thực hiện chế độ ưu đãi người có công và con của người có công trong giáo dục và đào tạo cho 9.467 lượt, với tổng kinh phí thực hiện hơn 55 tỷ đồng.

Được biết, Thanh Hoá là một trong những tỉnh thành của cả nước làm tốt các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc NCC, Thanh Hoá đã đạt những kết quả gì?

Công tác chăm sóc nuôi dưỡng NCC và thân nhân NCC tại Trung tâm Điều dưỡng NCCvà Trung tâm Chăm sóc sức khỏe NCC được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hoá quan tâm chỉ đạo sát sao, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện và khang trang, công tác chăm sóc phục vụ, nuôi dưỡng các thân nhân đảm bảo khoa học, tận tình, chu đáo. 

Thanh Hoá: Chăm lo gia đình chính sách là tri ân, là việc làm thường xuyên - Ảnh 4.

Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tọa lạc trên đồi Cánh Tiên, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)

Hàng năm TT Chăm sóc sức khỏe NCC điều dưỡng luân phiên gần 5.000 người có công trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó đã tổ chức điều dưỡng luân phiên và điều dưỡng tại gia đình nhằm chăm sóc sức khỏe cho 267.791 lượt NCC, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 181 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho hơn 2.000 lượt NCC, với tổng kinh phí thực hiện gần 4 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 740 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ, 30 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi an nghỉ trên 10.000 mộ liệt sĩ và gần 2.000 mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang dòng họ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 67 hài cốt liệt sĩ trong nước và 221 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Đã phân tích mẫu ADN trả lại tên cho hàng trăm liệt sĩ. Những việc làm cụ thể đó đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của nhiều gia đình, người cha, người mẹ, người vợ và thân nhân ngày đêm đợi chờ.

Đến nay, hầu hết NCC và thân nhân NCC đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% bà mẹ VNAH còn sống đã được phụng dưỡng. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Trong suốt chặng đường 74 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnhd doạ tỉnh Thanh Hoá và sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh luôn ghi nhớ công lao to lớn, sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các mẹ VNAH và những NCC với nước mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các thế hệ con cháu mai sau.

Việc chăm lo đời sống NCC tỉnh Thanh Hóa đã phần nào đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng cũng như thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu, Đảng, Chính phủ, đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh"; "Đối với cha, mẹ, vợ, con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ đói, rét".

Xin cảm ơn Giám đốc Sở!

THU HƯƠNG (t/h)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh