Thanh Chương (Nghệ An): Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống, đạo lí
- Người có công
- 18:02 - 06/12/2017
Những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Thanh Chương, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và cũng là dịp thể hiện sự tri ân của cán bộ, nhân dân trong toàn huyện đối với những người có công với cách mạng.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Bí thư huyện ủy Thanh Chương, thăm tặng quà gia đình chính sách dịp 27/7.
Qua các cuộc kháng chiến đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với Nghệ An và cả nước; Thanh Chương đã có hàng vạn người con ưu tú, lớp cha trước, lớp con sau nối tiếp nhau lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu; toàn huyện có gần 47 ngàn người tham gia quân đội; hơn 2.700 người tham gia lực lượng Thanh niên xung phong; gần 20 ngàn người tham gia dân công hỏa tuyến. Trong số những người con ưu tú đã ra đi, có biết bao người đã mãi mãi không trở về hay để lại một phần cơ thể nơi các chiến trường đầy gian khổ và khốc liệt của cuộc chiến hoặc phải mang theo trong mình những ác tích của chiến tranh. Toàn huyện có 1.039 cán bộ lão thành cách mạng, 104 cán bộ tiền khởi nghĩa; có 127 cán bộ hoạt động cách mạng, chiến sỹ bị địch bắt tù đày; trên 4.700 liệt sỹ; 407 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 11 ngàn thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học; 12 người được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 12 xã được phong tặng danh hiệu công nhận đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang… Thanh Chương là huyện có số lượng người có công nhiều nhất tỉnh Nghệ An với 7853 người hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng.
Lễ nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, tại Thanh Chương.
Nhiều năm nay, Thanh Chương, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công.
Trong những năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện tiếp tục được xã hội hóa, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của mọi người dân đối với các gia đình chính sách. Các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội để vận động đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và những nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng. Phong trào đã phát triển sâu rộng thu hút được nhiều người sẵn sàng hăng hái tham gia với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao nhất.
Đến nay, toàn huyện có 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng. Ngoài số tiền phụng dưỡng, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức thăm hỏi khi các mẹ ốm đau, tặng quà, tặng dụng cụ sinh hoạt, hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Hàng năm, Đoàn thanh niên các cấp phối hợp với các đoàn thể tổ chức “Lễ thắp nến tri ân” tại các nghĩa trang liệt sỹ vào dịp ngày Thương binh Liệt sĩ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo nên một điểm nhấn trong đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Lễ Trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng tại Thanh Chương
Ngoài các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của các cơ quan đơn vị thì các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng đã phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đời sống của gia đình người có công ngày càng được nâng lên ngang bằng và cao hơn mức sống bình quân chung của địa phương. Ở các địa phương trên toàn huyện, các gia đình chính sách, gia đình cách mạng đã gương mẫu xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nông thôn mới. Nhiều thương binh, bệnh binh thể hiện rõ quyết tâm và nghị lực, thực hiện tốt lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế ”.