THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 05:11

Thành Chương: Họa sĩ tuổi Tý “vẽ ra tiền”

 "Cha tôi là nhà văn Kim Lân, ngoài công việc viết lách thì ông còn có tài vẽ, tài nặn tượng. Ông chơi rất thân với các họa sĩ danh tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm... Thời kháng chiến, cơ quan văn nghệ cứu quốc đóng ở Nhã Nam (Hà Bắc) và tôi được sinh ra tại đó, đầu năm 1949. Nhìn các cụ vẽ, tôi cũng bắt chước cầm cọ vẽ theo. Bạn bè của bố tôi bảo: "Thằng này có khiếu vẽ đây, dạy nó một chút biết đâu sau này nó sẽ thành tài". Năm 1954, gia đình tôi chuyển về Hà Nội. Tôi đi học và thường bị nhà trường coi là học sinh cá biệt vì chỉ ham vẽ vời chứ không chịu học hành. Một người bạn của bố tôi quê ở vùng Đông Cảo đem đến cho một cặp gà tồ. Nom chúng rất ngộc nghệch và rất ngố so với loại gà ri, gà tre nhưng chúng lớn nhanh như thổi, to lớn khác thường. Thấy loại gà này có chút gì đó hao hao giống thân phận của mình, tôi liền vẽ chúng và đặt tên là Hai con gà tồ. Bố tôi khen, ông gửi đi dự thi tranh thiếu nhi quốc tế tại Anh và năm ấy tôi được giải vàng đầu tiên…"

Thành Chương: Họa sĩ tuổi Tý  “vẽ ra tiền” - Ảnh 1.

Họa sĩ Thành Chương và cha- nhà văn Kim Lân

Ký ức về tuổi thơ, về người cha nổi tiếng trên văn đàn và cơ duyên đến với hội họa đã được họa sĩ Thành Chương kể lại như thế. Thường được bố chở tới chơi nhà những danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... được tiếp xúc với cả những loại hình nghệ thuật mới mẻ và hiện đại như trào lưu của Picasso, Gaugin, Van Goh. Thành Chương bảo, ông thấy thấy mình thật may mắn khi được các họa sĩ danh tiếng, bạn của bố dạy bảo. Họ là những người không chịu đi vào khuôn phép chung, không chịu vẽ những gì nhạt nhòa vô bổ. Do vậy, khi theo học mỹ thuật ở trường, quan niệm hội hoạ của Thành Chương cũng có phần bị phá cách so với bạn bè và cách đào tạo xưa nay của các thày cô. Ông thường đứng đầu lớp về điểm số, nhưng trong "sổ đen" của lớp, của trường về các trò ma quỷ và tính tình ương bướng thì cũng xếp hàng đầu.

"Tôi học rất vất vả và luôn trong tâm trạng chán nản vì không được thày cô đồng cảm và hiểu mình. Bố tôi cũng bị nhà trường gọi lên vài lần vì tính nết của thằng con trai. Họ cho biết không sớm thì muộn tôi cũng bị buộc thôi học. Mà tính tôi lại lì lợm, thích gì làm nấy. Thế rồi bố tôi may mắn có được một suất đi lao động xuất khẩu. Ông đã nói với tôi trong nước mắt: "Thày đã trót đưa con vào nghề hội hoạ, thôi bây giờ kiếm nghề khác mà theo con ạ" và tỏ bày ý định muốn đưa tôi sang Đức lao động vài năm. Tôi hiểu nỗi trăn trở của bố, nhưng không thể đi lao động để bỏ mất niềm đam mê cháy bỏng là vẽ…"

Thành Chương: Họa sĩ tuổi Tý  “vẽ ra tiền” - Ảnh 2.

Chân dung Tự họa

Sau này, Thành Chương có 10 năm ở chiến trường rồi về công tác tại Báo Văn nghệ với tư cách là họa sỹ thiết kế cho đến lúc về hưu và đến bây giờ, Thành Chương vẫn tiếp tục vẽ minh họa cho rất nhiều tờ báo. Đối với làng báo, trên những số báo Xuân dường như không bao giờ vắng bóng tranh của ông. Còn trong trong giới hội họa, Thành Chương là một trong số không nhiều họa sĩ kiếm được tiền tỉ nhờ bán tranh. Được mệnh danh là "Thần đồng hội họa" từ năm 7 tuổi, nhiều năm qua Thành Chương đã lập kỷ lục về "vẽ tranh nhiều nhất, bán tranh đắt nhất". Thành Chương bảo, ông kiếm tiền bằng nhiều cách, nhưng hội họa là nghề kiếm tiền thích thú vì được làm cái mình thích mà ra tiền.  

Tranh Thành Chương dù có những cách thể hiện khác nhau nhưng đều bộc lộ một khuynh hướng cá nhân mạnh mẽ  và luôn có sức thu hút đối với công chúng. Mê văn hóa dân gian Việt Nam từ ngày bé, tình yêu ấy đã ngấm vào trong máu và thể hiện rất rõ trên những bức tranh ông vẽ. Thế giới tranh của Thành Chương là những hình ảnh rất gần gũi như con trâu, cái nón, những người phụ nữ thôn quê, những đứa trẻ mũm mĩm tóc trái đào, là những gương mặt cổ tích làng quê, những mớ ba mớ bẩy say lòng người quan họ, những cung bậc nồng cháy của tình yêu... Những sự vật quen thuộc được mô phỏng bằng các đường nét khác biệt và màu sắc đầy sáng tạo, hòa hợp với hơi thở thời đại.  Thành Chương đã có vài ngàn bức tranh như thế. Đó là cách ông bày tỏ tình yêu của mình với thế giới: những nét vẽ tượng hình cái đẹp, những giấc mơ được lưu giữ, những ý niệm không ngừng theo đuổi... 

Thành Chương: Họa sĩ tuổi Tý  “vẽ ra tiền” - Ảnh 3.

Tranh Thành Chương

 Cá tính và giàu sáng tạo, tranh của Thành Chương ẩn chứa tính ngẫu hứng nhưng không cẩu thả, bởi như ông nói, "Làm nghệ thuật để gây dựng tên tuổi cả cuộc đời chưa chắc làm được, nhưng đánh mất tên tuổi thì chỉ một giây một phút.. Tôi hiểu điều đó. Chính vì thế chắc chắn tôi không bao giờ làm qua loa đại khái. Khán giả bây giờ không ngờ nghệch. Họ bỏ ra vài chục triệu để mua một bức vẽ không hề tiếc, nhưng tác phẩm đó phải như thế nào mới lọt vào mắt của họ. Với tôi, khi cầm cọ, chẳng thể có suy nghĩ nào khác việc nghĩ sao phải vẽ cho theo đúng dòng xúc cảm. Tôi vẽ theo những đòi hỏi của bản năng, và khi đó trong nghệ thuật không có chỗ cho sự tính toán".

Thành Chương đã mang đến giới hội họa những khác biệt và kiên định. Với những đóng góp và thành tựu của mình, ông được nhận xét là một họa sĩ bậc thầy của hội họa Việt Nam đương đại, là họa sĩ tiên phong có nhiều ảnh hưởng đến thế hệ các họa sĩ trẻ sau này khi luôn khẳng định, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong sáng tạo. Như lời nhận xét của nhà phê bình mĩ thuật Nguyễn Quân thì "Mĩ thuật Việt Nam như một bản đồ và Thành Chương như một địa danh đã được khẳng định trên bản đồ ấy. Ông là người chuyển tiếp từ nghệ thuật hiện thực chiến tranh sang nghệ thuật đổi mới, đi dọc hết nghệ thuật đổi mới và bước sang nghệ thuật đương đại để khẳng định tên tuổi mình cả trong nghệ thuật hội họa cũng như thị trường hội họa." 

Ở tuổi 72, Thành Chương vẫn không ngừng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm mới. Ông vẫn miệt mài, thậm chí thức trắng đêm để vẽ. Bởi "cuộc đời có những điều tốt đẹp, mình biết hưởng thụ là tốt, nhưng biết tạo ra những điều tốt đẹp thì càng đáng trân trọng. Tôi nghĩ đó là một trách nhiệm của người nghệ sỹ trước cuộc đời. Tôi yêu thế giới, vì thế tôi sáng tạo và dâng hiến cho thế giới ấy...".

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh