CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:22

Thăng hoa với “Nhớ mùa thu Hà Nội”: Nhớ đến một người, để nhớ mọi người

Hội tụ những giọng ca đỉnh cao

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Nhớ mùa thu Hà Nội" diễn ra tối 21/9/2019 tại Hà Nội nhân Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) là sự nối tiếp thành công của các chương trình "Trở về", "Sao mai ngày trở về" do khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức.

Thăng hoa với “Nhớ mùa thu Hà Nội”: nhớ đến một người, để nhớ mọi người - Ảnh 1.

Mỗi nghệ sĩ một phong cách âm nhạc riêng, một thế mạnh riêng tưởng chừng như không liên quan nhưng lại cùng nhau xuất hiện trong một không gian âm nhạc trữ tình và lãng mạn để cùng kể câu chuyện về một Hà Nội hào hùng nhưng cũng rất đỗi thanh lịch và thân thương trong trái tim mọi người con Hà Nội và bạn bè quốc tế.

Trong chương trình, bên cạnh một số sáng tác mới cũng có nhiều ca khúc đã trở nên quen thuộc, đóng đinh với tên tuổi các nghệ sĩ nhưng được dàn dựng và phối khí mới nên vẫn mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ.

Với sự dàn dựng kỹ lưỡng, hòa âm, phối khí tinh tế "Nhớ mùa thu Hà Nội" là món quà tri ân rất có ý nghĩa mà các thế hệ giảng viên, cựu sinh viên khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia dành tặng khán giả Thủ đô.

Thăng hoa với “Nhớ mùa thu Hà Nội”: nhớ đến một người, để nhớ mọi người - Ảnh 2.

Với vai trò tổng đạo diễn chương trình, tiến sĩ, NSND Quốc Hưng – giọng bass số một của Việt Nam, Trưởng khoa Thanh nhạc đóng góp hai tuyệt phẩm về Hà Nội và mùa thu: "Em ơi! Hà Nội phố" (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang) và "Dương cầm thu không em" (An Thuyên) đã góp thêm một mảnh ghép làm nên một bức tranh đầy màu sắc về Hà Nội.

Vẫn là "Em ơi Hà Nội phố" nhưng NSND Quốc Hưng xử lý bài hát theo một cách khác hẳn. Các ca sĩ khi hát đoạn kết thường nhắc lại đoạn điệp khúc "Em ơi, Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa/Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm".

Nhưng Quốc Hưng chỉ hát kết rất ngắn và đơn giản: Em ơi Hà Nội/Em ơi Hà Nội phố nhưng lại rất hiệu quả.

NSND Quang Thọ cùng nhóm Dòng thời gian đã đưa khán giả trở lại một Hà Nội hào hùng, bất khuất với bản hùng ca "Người Hà Nội" của tác giả Nguyễn Đình Thi.

Thăng hoa với “Nhớ mùa thu Hà Nội”: nhớ đến một người, để nhớ mọi người - Ảnh 3.

Dòng thời gian cũng thể hiện ca khúc "Hương ngọc lan" của nhạc sĩ Anh Quân từng là ca khúc "tủ" của ca sĩ Mỹ Linh nhưng được nhóm phối theo phong cách opera - pop khá thú vị.

Ca sĩ Anh Thơ tô đậm thêm bức tranh mùa thu qua hai ca khúc: "Mùa thu cho em" – một bản tình ca tuyệt vời về mùa thu của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên; ca khúc đậm chất ca trù "Một thoáng Tây Hồ" của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Lần đầu tiên ca sĩ, tiến sĩ Phương Nga – Phó Trưởng khoa Thanh nhạc thể hiện ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội" - một nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ca sĩ, tiến sĩ Tân Nhàn – Phó Trưởng khoa Thanh nhạc rất vui khi Ban Tổ chức giao cho hai ca khúc đúng sở trường "Thơ tình cuối mùa thu" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – một ca khúc mà cô luôn muốn hát khi thu về và ca khúc "Trở về" (Tuấn Phương).

Thăng hoa với “Nhớ mùa thu Hà Nội”: nhớ đến một người, để nhớ mọi người - Ảnh 4.

Tiết lộ bất ngờ của Mỹ Linh, Tùng Dương

Trong chương trình, ca sĩ Mỹ Linh đã khiến khán giả bất ngờ khi tiết lộ, cô mới nhận bằng tốt nghiệp thanh nhạc cách đây mấy tháng.

Cách đây 25 năm, Mỹ Linh nổi lên như một hiện tượng khi thể hiện "Hà Nội đêm trở gió" – vốn là ca khúc trong vở kịch cùng tên của Nhà hát kịch Hà Nội. Khi đó, Mỹ Linh vẫn còn là sinh viên khoa thanh nhạc nhưng đã nhận được lời mời từ rất nhiều nơi.

"Tôi mải miết chạy show nên nợ hết môn này đến môn khác, cuối cùng không thể tốt nghiệp do môn… thể dục" – nữ ca sĩ tâm sự. Bây giờ, chị rất chăm tập thể dục, vì thế, sau nhiều đắn đo, Mỹ Linh quyết định quay trở lại học nốt. "Sáng dậy sớm lái xe đi học, trưa ăn lang thang gần trường, chiều học tiếp và cuối cùng tôi đã lấy được bằng tốt nghiệp" – ca sĩ tóc ngắn thật thà khoe.

Hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng giọng hát Mỹ Linh vẫn đẹp trong không khí mùa thu của một thời Hà Nội đầy lãng mãn, phiêu bồng trong "Hà Nội đêm trở gió".

Ca sĩ Mỹ Linh cũng song ca cùng Tùng Dương một tác phẩm của nhạc sĩ Anh Quân về mùa thu rất lãng mạn "Vẫn mãi mong chờ".

Thăng hoa với “Nhớ mùa thu Hà Nội”: nhớ đến một người, để nhớ mọi người - Ảnh 5.

Nhân đây, Tùng Dương cũng tiết lộ, nếu như người khác chỉ phải học 8 năm thanh nhạc thì anh mất 10 năm, lý do cũng vì môn… thể dục.

"Hồi ấy, có hai sinh viên thường xuyên trốn môn thể dục, đó là tôi và nhạc sĩ Sơn Thạch" – nam ca sĩ bật mí. Nhạc sĩ Sơn Thạch - người đang rất đắt hàng hiện nay được mời phối phí cho chương trình.

Sơn Thạch hiểu rất rõ gu âm nhạc của từng nghệ sĩ. Màu sắc âm nhạc mang hơi hướng trẻ trung, phù hợp với hơi thở thời đại, mang lại sự hấp dẫn, tươi mới cho các ca khúc đã trở nên quen thuộc.

Ca sĩ Tùng Dương tiếp tục "lên đồng" với liên khúc "Đêm Ả đào" và "Chiều phủ Tây Hồ" của nhạc sĩ Phú Quang. Ca khúc "Mẹ tôi" (Trần Tiến) do Tùng Dương thể hiện đã lấy nước mắt của rất nhiều khán giả.

Mùa thu Hà Nội là niềm cảm hứng bất tận của thi ca và âm nhạc. Đêm ca nhạc với sự quy tụ của các ca sĩ tên tuổi và dàn dựng công phu đã tái hiện những mùa thu Hà Nội xưa và nay, gắn với hoài niệm, ký ức và tâm cảm của mọi người.

Thu Hà Nội không chỉ là cảm xúc khi mùa về qua phố, mà còn là những lắng sâu, những rung cảm về thời son trẻ với màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời… nhớ đến một người... Để nhớ mọi người.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh