THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:06

Tháng 4 về khu di tích lịch sử Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng - một thời rực lửa

Gắn liền với những biến cố, thăng trầm lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc, đến hôm nay cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang nối đôi bờ sông Mã. Cầu được thực dân Pháp xây dựng lần đầu tiên vào năm 1901 do 2 kỹ sư người Đức thiết kế và thi công. Đến năm 1904 cầu mái vòm được xây xong rộng 9m, ngày 17/3/1905 khánh thành và cho thông xe. Mục đích xây dựng cầu của thực dân Pháp nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét nguồn tài nguyên giàu có của Việt Nam về làm giàu cho chính quốc.   

Cầu Hàm rồng – cây cầu huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ

Năm 1947 thi hành chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của chính phủ cách mạng, đại đội công binh của Trung đoàn 77 đã cùng công nhân dùng 2 đầu móc hơi nước, 4 toa xe đá đưa vào cầu cùng với 70kg thuốc nổ, phá sập cầu Hàm Rồng tồn tại 43 năm xuống dòng sông Mã, mở đầu cho tiêu thổ kháng chiến trong tỉnh Thanh Hóa, cản bước quân giặc từ ngoài vào, từ trong ra và từ biển ngược sông Mã vào. Tuy cầu bị đánh sập, nhu cầu đi lại của kẻ thù bị hạn chế, nhưng nhân dân Hàm Rồng khi đó vẫn trên bến dưới thuyền, ngày đêm tải lương thực, đạn dược, đưa đón các đoàn quân đi kháng chiến.

Ngay từ những ngày đầu hòa bình trên Miền Bắc, do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở Miền Nam, ngày 26/11/1962 cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng lại do đội cầu Trần Quốc Bình chịu trách nhiệm thi công. Cầu do kỹ sư người Liên Xô và Trung Quốc thiết kế - thi công theo phương pháp mới. Cầu mới rộng 17m, dài 160m, ở giữa là đường sắt, đường ô tô, hai bên là đường dành cho người đi bộ. Cầu được khánh thành đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 74 của chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1964), nên cây cầu con có tên gọi khác là Cầu 19/5. Ngày 6/10/1972, giặc Mỹ đánh phá ác liệt vào Hàm Rồng, một quả bom được điều khiển bằng laser rơi trúng mố cầu, hất toàn bộ cây cầu lệch nghiêng về phía thượng nguồn sông Mã. Đến năm 1973 cầu được khôi phục lại và sử dụng cho đến ngày nay.

Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng không chỉ với nhân dân tỉnh Thanh Hóa mà còn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Đây là cầu đường sắt, đường bộ duy nhất đi qua sông Mã nối liền mạch giao thông chi viện sức người, sức của cho Miền Nam ruột thịt.

Với quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này của ta, bộ quốc phòng Mỹ đã trực tiếp chỉ đạo phương án đánh phá Hàm Rồng. Chúng đã huy động 121 lần tốp với 2.924 lần chiếc máy bay đánh phá 1.096 trận, ném 71.600 tấn bom phá với 11.526 quả, 99 bom nổ chậm, bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốckét, 2.178 quả đạn pháo kích, hàng trăm bom bi và thủy lôi. Tính bình quân mỗi người dân ở đây phải chịu đựng 5 tấn bom đạn của địch. Chỉ riêng trận đánh ngày 3 và 4/4/1965 quân và dân Hàm Rồng đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái. Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại, Hàm Rồng đã hạ 117 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, giữ vững cầu, lập nên một kỉ lục bảo vệ cầu chưa từng có trong lịch sử thế giới, đem lại niềm tự hào cho dân tộc. Cũng trên mảnh đất rực lửa này đã sản sinh nhiều tập thể anh hùng và những chiến sĩ anh hùng: đại đội 4 pháo cao xạ, đồn công an nhân dân Hàm Rồng, phân đội 3 công an nhân dân vũ trang, đại đội dân quân tiểu khu nam ngạn, nhà máy điện 4/4, đội cầu phà 19/5, các anh hùng Ngô Thị Tuyển, Đỗ Chanh, Lê Kim Hồng ...

Nhà cổ ở làng Đông Sơn 

Điểm đến của khách thập phương

Cầu Hàm Rồng không chỉ mang vị trí chiến lược trong chiến đấu, nơi đây còn được bao bọc bởi núi, sông hùng vĩ, những đồi thông ngút ngàn và thung lũng thơ mộng. Hiện nay, khu vực này đã được quy hoạch xây dựng thành Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) bao gồm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng và công trình văn hóa tâm linh như: cầu Hàm Rồng, núi Hàm Rồng, động Tiên Sơn, động Long Quang, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa, làng cổ Đông Sơn...

Đặc biệt, nằm trên dãy núi Hàm Rồng có động Long Quang và động Tiên Sơn với vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Động Long Quang còn có tên gọi là động Mắt Rồng do phía trên động có hai cửa hai bên, được ví như hai mắt của con rồng. Không gian bên ngoài động rất thoáng đãng. Đứng từ cửa động có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn cảnh TP Thanh Hóa ẩn hiện giữa núi non trùng điệp và dòng sông Mã uốn lượn như đang ôm ấp núi Rồng. Với phong cảnh nên thơ, trữ tình, động Long Quang đã lôi cuốn nhiều thi nhân, mặc khách đến vãn cảnh như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh… Trên những bức tường đá bên trong động hiện còn lưu giữ nhiều bài thơ chữ Hán từ thời Hậu Lê ca ngợi thắng cảnh núi Rồng, sông Mã…

Đền thờ Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ tỉnh Thanh Hóa.

Nằm trên đồi Cánh Tiên trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là Đền thờ Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền là nơi quần tụ của linh hồn các anh hùng liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, hùng khí xứ Thanh, vì vậy mà công trình được xây dựng bề thế, có vị trí trang trọng nhất, chi phối toàn bộ cảnh quan tổng thể. Đền chính có 3 gian thờ, ở chính giữa là gian thờ Tổ quốc, bên tay phải là gian thờ Các Mẹ Việt Nam anh hùng, bên trái là gian thờ các anh hùng liệt sỹ, xung quanh là 27 bàn thờ Các mẹ và các anh hùng liệt sỹ tương ứng với 27 huyện, thị, thành phố của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với tháp tụ linh, nơi đây như một thư viện tâm linh để mỗi người con Thanh Hóa tìm về với quá khứ hào hùng của dân tộc.

Tọa lạc trên đồi C4, nơi trận địa pháo năm xưa là Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng. Thiền viện nằm yên ắng, thanh tịnh trên ngọn đồi cao bên bờ Sông Mã, lại được bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải. Đường lên thiền viện uốn lượn quanh co, càng lên cao con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. Dưới chân núi, hết thảy mọi sinh hoạt đời thường, mọi quang cảnh thế tục… bỗng như lùi vào một cõi xa xăm, nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa vang vọng...

Một điểm không thể không nhắc tới  trong quần thể khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là Làng cổ Đông Sơn - ngôi làng chiến đấu trong kháng chiến. Hiện nay ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổng làng, đình làng truyền thống cùng 13 ngôi nhà cổ với những bức tường rêu phong nằm ven những con đường lát gạch, đá ngoằn ngoèo theo sườn núi. Đặc biệt, những chứng cứ văn hóa vật chất được phát hiện từ lòng đất của làng cổ Đông Sơn như những bộ nông cụ, các loại vũ khí, đồ gốm, đồ trang sức đến những chiếc trống đồng có hoa văn tinh xảo... đã cho thấy từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp có vị thế trong khu vực. Đầu thế kỷ 20, Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới là Văn hóa Đông Sơn và trống đồng Đông Sơn trở thành biểu tượng cho tài năng, trí sáng tạo của người Việt cổ trong buổi đầu tạo dựng văn minh của nhân loại…

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, tâm linh, hàng năm nơi đây đón tiếp hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Cùng với sự phát triển của đất nước, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng sẽ trường tồn cùng mãi với thời gian.

ANH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh