Thanh Hóa: Vùng đất tiềm năng thu hút đầu tư
- Huyệt vị
- 23:52 - 28/04/2017
Đổi mới và tạo đột phá
Năm 2016, UBND, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều quyết định, quy định về cải cách thủ tục hành chính trong những việc cụ thể và quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Nổi bật là hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hạn chế tình trạng “hành là chính” trong các cơ quan nhà nước. Áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính công, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc gắn với việc chấm điểm trong việc thực thi công vụ…
Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với các đoàn công tác nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế, tổng công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư ở nước ngoài để vận động, thu hút đầu tư. Năm 2016, đã thành lập mới 1.400 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 8.315 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 162.168 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 4.765 tỷ đồng. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 199 dự án (11 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 27.745 tỷ đồng và 155 triệu USD, tăng 84 dự án so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần vốn đăng ký. Trong đó, một số dự án có quy mô lớn như: Dây chuyền 2 xi măng Long Sơn (3.882 tỷ đồng), quần thể du lịch cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng), sản xuất máy kéo hạng trung (1.500 tỷ đồng), tái chế chất xúc tác thải tại Khu kinh tế Nghi Sơn (30 triệu USD), xử lý rác thải sinh hoạt tại TP. Thanh Hóa (647 tỷ đồng). Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 125.100 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong năm cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án quan trọng như: Dây chuyền 1 - xi măng Long Sơn, dự án không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, Đại lộ Nam sông Mã… Khởi công một số dự án như: Trung tâm thương mại Vincom, khu đô thị Sao Mai (huyện Triệu Sơn), dây truyền 2 xi măng Long Sơn… Các khu đô thị mới ven TP. Thanh Hóa tích cực mở rộng, diện mạo đô thị mới ngày càng rõ nét.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm các dự án Khu kinh tế Nghi Sơn.
Hiện nay, Thanh Hóa đang là địa phương có khả năng đáp ứng cao nhất về sản lượng xi măng, sản lượng điện, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, nguyên liệu mía đường, nguyên liệu tre luồng chế biến xuất khẩu, sản lượng lương thực, thủy sản chế biến xuất khẩu và nguồn nhân lực dồi dào. Địa bàn Khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh được bố trí ở các khu vực thuận tiện, dễ dàng tiếp cận về giao thông, vận tải hàng hóa, nguồn nguyên liệu và nhân lực. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà máy. Thanh Hóa có nhiều địa bàn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ. Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước được Chính phủ ưu tiên cao nhất, vận hành theo cơ chế đặc biệt. Ngoài ra, các khu công nghiệp của tỉnh được bố trí phía Bắc, Nam và Tây, cùng với trung tâm TP. Thanh Hóa tạo thành tứ giác phát triển. Đặc biệt, khu công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng nằm liền kề sân bay được lập quy hoạch phát triển các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao như: Điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin...
Trải “thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU (NQ 02) của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, sau 5 năm thực hiện, những kết quả đạt được khá toàn diện và sát với thực tiễn về công tác quy hoạch và xây dựng các cơ chế, chính sách; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; cải cách hành chính; hoạt động đối ngoại, vận động xúc tiến đầu tư và huy động vốn đầu tư phát triển; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp thông tin, đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường đấu tranh xử lý các hành vi gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được nâng cao.
Toàn cảnh Trung tâm TP. Thanh Hóa. Ảnh Tiến Luyến.
Hiện nay, Thanh Hóa có 8 khu công nghiệp tạo việc làm cho hàng chục vạn công nhân. Riêng Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút hơn 138 dự án đầu tư, trong đó: hơn 129 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 96.701 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 12,031 tỷ USD. Trong đó, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với vốn đầu tư hơn 9 tỉ USD đã được cấp phép đầu tư năm 2008.
Đây là dự án Liên hợp Lọc hóa dầu được thiết kế chế biến 200.000 thùng dầu thô/ngày (10 triệu tấn/năm). Tổ hợp sẽ cho ra đời nhiều dòng sản phẩm. Dự án là động lực lớn tạo cơ hội để thúc đẩy đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu như: Sản xuất hóa chất, hạt nhựa, cơ khí chế tạo…Với quy mô, công suất và chủng loại sản phẩm của dự án, khi đi vào vận hành sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu về xăng dầu của các tỉnh miền Bắc, thỏa mãn nhu cầu nội địa về một số sản phẩm hóa dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH của vùng và cả nước.
Để thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hóa áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh ban hành các chính sách như: Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Ngoài những quy định chung của pháp luật hiện hành, tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án, trên cơ sở xem xét đề nghị của các nhà đầu tư, tỉnh sẽ có những hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án lớn có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh. Với nhận thức “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, Thanh Hóa khẳng định quan điểm nhất quán và cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Các nhà đầu tư đầu tư vào đây được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tốt nhất của Chính phủ. Vị trí địa lý của Thanh Hóa khá thuận lợi với đủ các loại hình giao thông kết nối giữa các địa phương trong nước và nước bạn Lào. Tỉnh cũng có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái và được chia thành 3 vùng rõ rệt gồm: Trung du, miền núi, đồng bằng và vùng ven biển, nguồn tài nguyên phong phú với tài nguyên đất, rừng và khoáng sản…
Năm thứ hai liên tiếp thu ngân sách trên 10.000 tỉ đồng
Năm 2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,05%, vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.300 tỉ đồng, vượt 10,8% dự toán, trong đó thu nội địa (đã trừ tiền sử dụng đất) là 8.700 tỉ đồng, vượt 18% dự toán. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thanh Hóa đạt con số trên 10.000 tỉ đồng thu ngân sách.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,6% (giảm 1,3%); công nghiệp - xây dựng chiếm 40,6% (tăng 1,4%); dịch vụ chiếm 38,5% (tương đương cùng kỳ), thuế sản phẩm chiếm 4,3% (giảm 0,1%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.620USD, gần bằng mục tiêu đề ra.
Theo đó, sản xuất nông, lâm thủy sản tiếp tục phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện; giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 25.968 tỉ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,72 triệu tấn, vượt 3,3% kế hoạch. Trong năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi được 6.248ha cây trồng kém hiệu quả.
Những năm tới, Thanh Hóa tiếp tục tập trung huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng hiện đại và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, phát triển đô thị hài hòa với xây dựng nông thôn mới, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá vào năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.