CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:22

"Thần đồng" miền Tây Nam bộ

.

Ngày con biết nói là ngày con biết chữ

Căn nhà của "Thánh Gióng" Lê Phạm Hiếu Ân, 5 tuổi nằm trong một con hẻm nhỏ tại ấp Bình Thạnh (Tam Bình huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Anh Lê Văn Chửng, 51 tuổi, cha ruột bé Ân không giấu nổi niềm hãnh diện khi kể về cậu con trai được bà con phong tặng danh hiệu "Thánh Gióng".

Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bốn bức vách bằng gỗ chi chít con số với nét viết ngay ngắn, tròn trĩnh. Chỉ tay lên bức tường, anh Chửng nói: "Đấy là chữ Hiếu Ân viết. Thằng bé ham viết, bốn bức tường giờ chẳng còn chỗ nào hở nữa". Nghe ba nhắc đến tên, bé Ân chạy ra sà vào lòng cha, mắt sáng long lanh.

Vợ chồng anh Lê Văn Chửng kết hôn đã lâu nhưng lận đận đường con cái. Trước đây, chị Ngọc Nữ (vợ anh Chửng) từng sinh được một cô con gái nhưng bị bại não qua đời ở tuổi 14. Nhiều năm sau, chị mới mang thai đứa con thứ hai.

Suốt thời gian mang thai, người mẹ ăn uống với chế độ bình thường. Nhưng mới được 6 tháng 8 ngày, chị Nữ đã có dấu hiệu chuyển sinh. Anh Chửng hoảng hốt đưa vợ lên Bệnh viện tỉnh Tiền Giang. Do trường hợp nguy kịch nên thai phụ được chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Tình hình nguy cấp, để bảo đảm tính mạng cho mẹ và thai nhi, bác sĩ quyết định mổ.

Bé Ân ra khỏi bụng mẹ chỉ nặng 900 gam, không khác nào con cá lóc đồng. Vì sức khỏe yếu, bé Ân phải nằm trong lồng kính 22 ngày. Những tháng đầu chăm đứa con như chim non yếu ớt, hai vợ chồng phải tỉ mỉ kỹ lưỡng trong từng muỗng sữa. Vì sinh thiếu tháng nên Ân thường xuyên bị ốm.

Anh Chửng cho biết: "Xương của con rất nhỏ lại yếu, đã thế bé ăn ít lắm, mấy tháng đặt lên cân chỉ nhích được một chút. Nhưng được cái con rất ngoan, đặt đâu ngủ đấy không quấy khóc đêm. Thấy con ngày một cứng cáp hơn tôi và vợ cũng mừng vì thật tình lúc bế con từ bệnh viện về không ai dám tin nó có thể sống đến bây giờ".

Càng lớn, bé Ân có những biểu hiện khác lạ không giống như những đứa trẻ bình thường. Ngoài sự khác lạ về thể trạng, lên bốn tuổi, bé Ân vẫn chưa biết nói. Vợ chồng anh Chửng lo sợ có thể con bị câm bẩm sinh. Mỗi lần muốn lấy đồ vật ở trên cao hay xa tầm với, bé Ân chỉ tay ra hiệu với cha mẹ.

Gia đình ít ruộng đất, anh Chửng phải bươn chải làm thuê khắp nơi. Ngày anh đang đi làm bên Campuchia thì vợ gọi điện bảo dạo này con hay chơi một mình, lo con bị tự kỷ. Thằng bé lại có biểu hiện kì lạ, hay lấy tay chấm nước miếng viết lên mấy tấm gỗ trong nhà, và nó toàn viết những con số. Anh Chửng dặn vợ mua mấy hộp phấn để trong nhà khi nào con muốn vẽ gì thì vẽ chứ chấm nước miếng mất vệ sinh.

Từ ngày có viên phấn, Hiếu Ân tỏ ra thích thú hơn hẳn. Cậu bé chăm chỉ viết, chỉ vài ngày toàn bộ bốn bức tường dày đặc các con số, loang lổ phấn trắng. Khi anh Chửng đi làm xa về, Ân chạy lại túm vạt áo cha gọi một tiếng "ba" gọn lỏn, chắc nịch. Khi ấy Ân đã bước sang tuổi thứ 5. Niềm vui ngỡ như trong mơ, hai vợ chồng anh Chửng cứ nhìn con chằm chằm, rồi lại nhìn nhau vừa cười vừa khóc. Những ngày sau, Ân gọi thêm được tiếng mẹ. Khoảng 2 tháng sau Ân phát âm rõ, trong trẻo và âm vang hơn.

Những tưởng niềm vui đã viên mãn khi đứa con trai đã phát triển hoàn hảo, thì vợ chồng anh Chửng lục đục. Mâu thuẫn đỉnh điểm là lá đơn ly hôn chị vợ quyết định dứt nghĩa vợ chồng. Anh Chửng xin được nuôi con. Ân còn quá nhỏ để hiểu cuộc chia tay của cha mẹ, nhưng thằng bé mến cha hơn, suốt ngày quấn quýt không rời. Anh Chửng đi làm gửi con ở nhà nội, bé Ân lấy thú vui trên những con số do mình tự viết và bắt đầu tò mò về những cuốn sách.

"Chẳng có gì để học cả"

5 tuổi nhưng trông Hiếu Ân chỉ bằng một đứa trẻ lên 3. Từ ngày biết nói cũng là lúc Ân chuyển từ viết số sang viết chữ. Lúc đầu chỉ là những chữ lung tung, nhưng sau Ân tự mày mò ghép chữ thành vần điệu, có ngữ nghĩa. Chỉ sau 7 tháng biết nói, Ân đã có thể đọc vanh vách những chữ mà cậu thấy.

Ngôi nhà nơi hai cha con bé Ân đang sống.

Để chứng minh khả năng đọc chữ của Hiếu Ân, chúng tôi đưa tờ báo cho bé đọc thử. Ân tỏ vẻ thích thú và đọc trôi chảy tất cả. Đọc xong, Ân cầm viên phấn viết lại những chữ vừa đọc lên vách gỗ của nhà. Ân viết chữ ngay ngắn, tròn trịa và chuẩn xác về chính tả. Nếu người ngoài vào nhà, nhìn lên bốn tấm ván gỗ sẽ không thể nào tin nổi đó là chữ của cậu bé 5 tuổi, chưa từng đến trường và chưa từng được ai chỉ dạy.

Ngoài tài viết chữ, bé Ân còn có khả năng đọc rất nhanh và một trí nhớ tuyệt vời. Người dân địa phương ví đôi mắt của Hiếu Ân giống như chiếc máy ảnh lưu lại bất kì thứ gì cháu nhìn thấy, còn trí nhớ thì như một ổ đĩa cứng. Anh Chửng cho biết: "Cháu nó nói nhanh lắm nên nhiều lúc tôi nghe không kịp. Những lúc như thế tôi bảo con nói lại thì cháu tỏ vẻ không hài lòng, cự nự và bảo không muốn làm điều bình thường. Nói thật là tôi cũng không hiểu được suy nghĩ của cháu".

Từ ngày biết đọc, biết viết, anh Chửng cho con đến trường học mẫu giáo. Hôm đầu tiên đi học, Ân đến chỗ ngồi của từng bạn nhìn vào ngực áo có thêu số điện thoại. Về nhà, bé lặng lẽ viết lên tường toàn bộ số điện thoại của bạn. Không tin vào mắt mình, anh Chửng ghi lại rồi sáng hôm sau lên lớp đối chiếu, anh ngạc nhiên khi thấy tất cả đều chính xác.

Đi học được vài ngày, bé về nhà đã rầu rĩ bảo với ba: "Ba ơi, con không đến lớp nữa đâu, chẳng có gì để con học cả".

Tưởng con nói cho vui, anh Chửng không để ý và vẫn đưa con đến trường. Nhưng Ân khóc thét lên và nằng nặc đòi ở nhà. Cô giáo tới tận nhà khuyên, nịnh cỡ nào cũng không lay chuyển được suy nghĩ kỳ lạ của cậu bé. Bất lực trước con, anh Chửng đành cho bé ở nhà muốn làm gì thì làm. Ở nhà, Ân không nghịch ngợm, ham chơi, không thích bạn bè mà chỉ mê viết chữ lên tường. Bé viết cả những câu thơ trong sách, rồi lời bài hát nghe được trên tivi.

Cứ 19 giờ, Ân lại nhắc ba mở tivi để xem thời sự. Hết thời sự thì xem Ai là triệu phú, Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia… Bé xem rồi quay ra bình luận với ba, có những điều ba không biết thì Ân tự lẩm bẩm một mình.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tam Bình:

"Sau khi nghe cán bộ ấp trình bày trường hợp của cháu Ân tôi có nói anh Lê Văn Chửng đưa con đến trụ sở UBND để mọi người kiểm tra thử. Trước sự chứng kiến của nhiều người, Hiếu Ân thản nhiên trổ tài đặc biệt, ai cũng thán phục. Tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên ở địa phương. Chính quyền xã cũng đã thông báo lên UBND huyện để tìm cách giúp đỡ, tạo điều kiện để cháu bé phát huy được năng khiếu thiên bẩm".

AP (Theo CSTC)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh