CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:08

TP. Hồ Chí Minh: Đến 8 giờ 9/4, 54 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 31 ca đã xuất viện

Theo đó, tổng số trường hợp Covid-19 xác định đến sáng 9/4/2020 là 54 trường hợp, trong đó có 31 ca đã xuất viện (3 ca ban đầu, giai đoạn 1; 28 ca mới: BN 32, BN 45, BN 48, BN 53, BN 54, BN 64, BN 65, BN 66, BN 75, BN 79, BN 80, BN 81, BN 82, BN 83, BN 89, BN 90, BN 95, BN 96, BN 98, BN 99, BN 100, BN 119, BN 120, BN 121, BN 142, BN 150, BN 159, BN 160).

Ngày hôm nay, dự kiến có thêm 2 bệnh nhân xuất tại bệnh viện điều trị điều trị Covid-19 (BN 203, BN 234).

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, tình hình sức khỏe của BN 91 hiện không sốt; mạch, huyết áp ổn định, đang hỗ trợ thở máy. Các bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định, đang được theo dõi điều trị.

Tổng số trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh mới đến ngày 8/4/2020 đang được theo dõi: 6.384 trường hợp. Số trường hợp nghi ngờ có 7 trường hợp đã lấy mẫu trong đó:  3 trường hợp có kết quả âm tính, 4 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.

Tổng số trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố là 579 trường hợp; tổng số trường hợp được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 1.686 trường hợp, trong đó: 1.618 trường hợp hết thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng, hiện còn theo dõi 68 trường hợp.

Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 7.137 trường hợp, trong đó: 6.023 trường hợp đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, còn đang theo dõi 1.114 trường hợp.

Tiểu thương Sài Gòn làm miếng chắn ngăn giọt bắn tặng y, bác sĩ

Hơn ngàn miếng ngăn giọt bắn phòng Covid-19 được chị Quách Mỹ Linh (42 tuổi) bán mũ ở chợ Bà Chiểu, TP. Hồ Chí Minh cùng bạn bè tự làm để gửi tặng những người ở tuyến đầu chống dịch. "Hãy vững tin vì chúng tôi luôn bên bạn", họ nhắn nhủ như thế. 

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM ngày 09/04 - Ảnh 1.

Nhóm của chị Linh đang khẩn trương hoàn thành các sản phẩm để trao tặng những người ở tuyến đầu chống dịch.

Tình cờ xem được thông tin về việc các y, bác sĩ hướng dẫn làm mũ ngăn giọt bắn vừa đơn giản, tiện dụng bằng các vật liệu dễ kiếm, sẵn có hơn 20 năm kinh nghiệm làm và bán mũ, chị Linh đã vận động mọi người cùng tham gia công việc ý nghĩa này trong thời gian rảnh rỗi.

Ưu điểm của những chiếc mũ này là vừa dễ làm, dễ sử dụng, dễ vệ sinh mà lại rất "kinh tế", công dụng ngăn giọt bắn cũng chẳng thua kém gì những chiếc mũ đang được bày bán trên mạng xã hội và các điểm bán ngoài đường có giá từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng mỗi chiếc. Thậm chí mọi người còn nghiên cứu, thiết kế thêm một miếng lót cho mặt nạ để đem lại cảm giác thoải mái hơn khi sử dụng.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM ngày 09/04 - Ảnh 2.

Anh Trần Ngọc Ân (Q.Bình Thạnh) là người giúp nhóm nghĩ ra câu thông điệp "Chống đại dịch Covid-19. Hãy vững tin vì chúng tôi luôn bên bạn" dán trên mũ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tính đến nay, nhóm của chị Linh đã làm ra khoảng 1.300 miếng chống giọt bắn, tặng 6 bệnh viện trên địa bàn thành phố (trong đó có Bệnh viện dã chiến Củ Chi và bệnh viện tại Cần Giờ) với hy vọng, mỗi khi ai đeo chiếc mũ này hoặc thấy chiếc mũ này đều sẽ ý thức, trách nhiệm hơn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngược lại, khi những người bệnh đọc được dòng chữ này sẽ thấy an tâm phần nào rằng, mọi người sẽ luôn ở bên họ.

Kinh phí để thực hiện việc làm ý nghĩa này là từ bạn bè chị Linh hỗ trợ, sau khi được nhân rộng thì nhiều người biết đến và đóng góp thêm để duy trì và phát triển. Người bỏ vật chất, người bỏ công sức, mỗi người một tay, cứ thế họ đã cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa rất thiết thực trong thời gian này.

59 tấn gạo về với người khó khăn 24 quận, huyện

Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức trao tặng các vật phẩm và trang thiết bị chống lây lan dịch Covid-19 với tổng giá trị hơn 1 tỉ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn trên địa bàn TP.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM ngày 09/04 - Ảnh 3.

Đoàn viên vận chuyển gạo lên xe. Ảnh: LÊ VĨNH

Theo đó, 59 tấn gạo, 35.500 trứng gà, 2.000 thùng mì gói, 6.000 chai nước chấm, 2 tấn trái cây, 6.000 phần trà và đồ hộp, 12.000 khẩu trang, 6.000 bánh xà phòng được trao cho 24 Quận, Huyện Đoàn. Từ đây, các tình nguyện viên sẽ chuyển quà đến tận tay bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Được biết, mỗi người dân sẽ nhận được: 10kg gạo, 10 gói mì, 1 chai nước chấm, 1 vỉ gồm 6 trứng gà, 2 khẩu trang vải và trái cây. Đối tượng mà chương trình hướng đến là những người trên 60 tuổi, người neo đơn có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Để có được những phần quà trên, Thành Đoàn TP đã kêu gọi đoàn viên thanh niên, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức hội (Hội Doanh Nhân Trẻ TP, TW Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam), văn nghệ sĩ… chung tay ủng hộ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Đảm bảo cấp điện phòng chống dịch Covid-19

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) khẳng định, cho dù tình huống xấu nhất xảy ra, EVNHCMC vẫn tuyệt đối đảm bảo duy trì cung cấp điện liên tục, an toàn và ổn định phục vụ tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết ngay từ đầu tháng 2/2020, đơn vị đã triển khai nhiều phương án, giải pháp đảm bảo cung cấp điện (cho dù tình huống xấu nhất xảy ra) ở các địa điểm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, các cơ sở điều trị bệnh Covid-19, các khu vực cách ly cấp thành phố, quận huyện và những địa điểm khác theo yêu cầu của địa phương.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM ngày 09/04 - Ảnh 4.

Nhân viên EVNHCMC kéo lưới cung cấp điện cho Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. Ảnh: VIỆT ANH

Đến nay, Tổng công ty đã lập và triển khai phương án đảm bảo điện cho 149 địa điểm, bao gồm: Các bệnh viện, cơ sở y tế, các điểm cách ly tập trung trên địa bàn TP để phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Song song đó, EVNHCMC cũng triển khai phương án xây dựng điểm vận hành dự phòng trong trường hợp cách ly trụ sở làm việc hiện tại và đã thực hiện diễn tập các phương án, tránh bị động trong tình huống cách ly có thể xảy ra.

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm, ngành điện TP. Hồ Chí Minh đáp ứng việc cung cấp 100% các dịch vụ điện 24/7 theo hình thức trực tuyến ở cấp độ 4. Ngoài ra, việc đáp ứng các yêu cầu về điện được tiếp nhận và xử lý trên môi trường mạng, quá trình thanh toán tiền điện cũng được thực hiện thuận lợi bằng các hình thức như: Thanh toán qua ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, Mobile banking, Internet banking, SMS banking, hay các hình thức trích nợ tự động hàng tháng, thanh toán qua ví điện tử… 

Tạo điều kiện cho các nhà máy đốt rác phát điện ở Thành phố

UBND TP vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chủ đầu tư cung cấp thông tin liên quan đến các dự án nhà máy đốt rác phát điện cho Tổng Công ty Điện lực TP.

Từ đó, Tổng Công ty Điện lực TP tiến hành khảo sát, lập phương án đầu tư các trạm điện phục vụ đấu nối cho các dự án cũng như điều chỉnh quy hoạch điện lực tại khu vực.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn các nhà đầu tư thủ tục về giá bán điện, hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.

Những người gác “cổng”, ngăn dịch cho Thành phố

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM ngày 09/04 - Ảnh 5.

Những y, bác sĩ, nhân viên y tế, cảnh sát đang ngày đêm canh giữ các tuyến đường ở cửa ngõ thành phố và sân bay để sàng lọc nguy cơ dịch bệnh.

Mặc dù TP bắt đầu chuyển sang những ngày nóng bức, gay gắt hơn. Tuy nhiên, các nhân viên y tế, cảnh sát giao thông tại chốt kiểm soát y tế trên quốc lộ 1K vẫn tích cực kiểm soát tất cả ô tô di chuyển từ Bình Dương vào TP xuyên suốt 24/24 giờ. Kê một bàn làm việc nhỏ ngay bên đường, dưới chiếc dù cùng thiết bị đo nhiệt độ, các nhân viên y tế vẫn đều đặn kiểm tra thân nhiệt của từng tài xế và tất cả người ngồi trên xe.

Khi phát hiện một trường hợp người đi đường bị sốt, lực lượng chức năng ngay lập tức giữ lại để nhân viên y tế kiểm tra, thu thập thông tin và lịch sử đi lại cũng như các bệnh lý nền. Nếu sau 3 lần kiểm tra, thân nhiệt vẫn cao, lực lượng tại chỗ sẽ liên lạc xe cấp cứu chở đến cơ sở y tế để kiểm tra, sau đó tiến hành sát khuẩn.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM ngày 09/04 - Ảnh 6.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 6/4. Ảnh: Hoàng Giang

Trong khi đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tất cả hành khách từ các địa phương đáp xuống sân bay đều phải thực hiện khai báo y tế và xét nghiệm Covid-19. Mỗi ngày, sân bay đón khoảng 500 hành khách từ các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng. Các nhân viên y tế đến từ nhiều đơn vị phụ trách thu thập tất cả mẫu dịch của hành khách trước khi rời sân bay.

Xuất nhập khẩu đã tăng nhẹ tại nhiều cảng ở TP. Hồ Chí Minh

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sau hơn 1 tuần giãn cách xã hội, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu về cảng khá ổn định, thậm chí tăng nhẹ trong một vài thời điểm.

Hiện trung bình mỗi ngày, Chi cục làm thủ tục thông quan cho 1.300 tờ khai hải quan, trong đó nhiều ngày lên đến 2.000 tờ, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là: Thủy, hải sản đông lạnh, trái cây, sản phẩm gỗ…; trong khi hàng nhập là nguyên liệu sản xuất như: Vải, sắt…

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh vẫn đang giữ được sản lượng khá.

Cục Hải quan TP cho biết đã tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại cho doanh nghiệp. Cán bộ hải quan sẽ kiểm tra và giải quyết thủ tục ngay khi doanh nghiệp gửi thông tin trên hệ thống, không chờ người đến xuất trình hồ sơ.

PHA LÊ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh