THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:07

Tham gia CPTPP: Cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo thêm nhiều việc làm

Việt Nam có 3-5 năm để sửa Luật lao động và các quy định pháp luật liên quan

Liên quan đến các cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết, có hai nội dung là cam kết chung và cam kết riêng.

Theo đó, các cam kết chung được quy định tại Chương Lao động (Chương 19) trong CPTPP quy định: các bên sẽ "thông qua và duy trì” trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn" những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm: tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động.

CPTPP cũng yêu cầu các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

 

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường thông tin về những cam kết về lao động của Việt Nam trong CPTPP

 

Cam kết riêng của Việt Nam về lao động bao gồm  4 nội dung:

Một là, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (cam kết chung) trong Chương Lao động kể từ ngày CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam;

Hai là, đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) liên quan tới các cam kết chung thì các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực;

Ba là, đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) đối với quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể thì các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực;

Bốn là, trong thời gian từ khi CPTPP có hiệu lực 5 năm đến trước khi CPTPP có hiệu lực 7 năm, các vấn đề liên quan tới vi phạm cùa Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội sẽ tiếp tục được các bên rà soát trong khuôn khổ Hội đồng Lao động của CPTPP theo điều 19.12.

Lý giải về việc đưa nội dung cam kết lao động vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Việc tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, vào năm 1995 mới chỉ có 3 hiệp định FTA có nội dung cam kết về lao động (chiếm 7.3%) thì đến năm 2016 đã có tới 77 trong tổng số 267 FTA được ký kết ở 136 quốc gia có nội dung về lao động (chiếm 28.8%). Trong đó, 62% mang tính thúc đẩy, 38% mang tính điều kiện (rơi vào các hiệp định của Mỹ, Canada và EU).

“Với CPTPP thì mức cam kết được nâng lên mức cao nhất, đó là 'thông qua và duy trì'. Đây cũng là điểm mới nhất so với các cam kết khi chúng ta tham gia các hiệp định. Cam kết riêng của Việt Nam trong CPTPP là nếu ta có những vi phạm về cam kết chung thì chúng ta vẫn có 3-5 năm không bị trừng phạt thương mại, bởi khi đàm phán chúng tôi đã nêu vấn đề Việt Nam đang trong quá trình sửa Luật lao động và các quy định pháp luật liên quan"- ông  Cường cho biết.

Cơ hội song hành với thách thức

Đánh giá tác động của CPTPP đối với vấn đề lao động việc làm ở Việt Nam, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã tiến hành một nghiên cứu trong thời gian gần đây trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu tác động về mặt kinh tế thương mại đối với Việt Nam khi tham gia các FTA.

Theo đó, về khía cạnh lao động, việc làm và các vấn đề xã hội, khi tham gia CPTPP, từ năm 2020 trở đi, mỗi năm sẽ tạo ra từ 17.000- 27.000 chỗ làm mới. Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ ở mức khoảng 18.000- 19.0000 việc làm. Về chất lượng việc làm, thời gian đầu tham gia, số lao động có tay nghề thấp tăng nhanh hơn, nhưng những năm sau, tỷ lệ lao động có kỹ năng sẽ tăng lên, thể hiện ở số việc làm với lao động có trình độ kỹ thuật nhiều hơn.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm


Việc tham gia các FTA cũng tác động đến vấn đề tiền lương theo hướng tích cực. Những ngành, nghề sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi nhiều gồm: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất đồ gỗ, lắp ráp điện tử.

Do tạo thêm việc làm, các FTA cũng góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập nói chung cho người lao động.

"Bên cạnh đó cũng sẽ xuất hiện phân hóa về tiền lương giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giữa lao động có trình độ cao với trình độ thấp. Đòi hỏi  cần phải điều chỉnh các chính sách về việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội”- ông Vinh cho nói.

Cơ hội khi tham gia CPTPP là rất rõ ràng, tuy nhiên theo ông Đào Quang Vinh, vẫn có không ít những thách thức. Thách thức lớn nhất là làm thế nào tận dụng được những cơ hội mà hiệp định thương mại mang lại, chuẩn bị nguồn nhân lực thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu.

Chia sẻ về sự sẵn sàng của doanh nghiệp ông Vinh cho hay, khảo sát cho thấy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ các cam kết CPTPP. Điều đó chứng tỏ sự sẵn sàng tham gia CPTPP của doanh nghiệp chưa cao. “Điều này cần sớm thay đổi, vì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi 'tác động kép' là công nghiệp 4.0 và các hiệp định sẽ khiến cơ cấu việc làm sẽ thay đổi nhanh. Các doanh nghiệp phải tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng lực sản xuất và tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ. Cần phải tận dụng các cơ hội, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực nhất là lao động chất lượng cao để nâng sức cạnh tranh, hàng hóa làm ra phải thật tốt để có thể vào được các thị trường trong khu vực CPTPP", TS. Đào Quang Vinh nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh