Tham gia CPTPP: Mang đến nhiều cơ hội hơn thách thức
- Tây Y
- 23:09 - 05/11/2018
Trước đó, trong tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thảo luận tại Hội trường Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiến bộ, tiêu chuẩn cao và minh bạch.
“CPTPP rất toàn diện vì hiệp định này không chỉ thuần túy về mặt thương mại, không chỉ bàn về thuế quan mà đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ... CPTPP tiến bộ ở chỗ không phân biệt khoảng cách giàu, nghèo giữa các quốc gia thành viên, đồng thời quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam” đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, CPTPP sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam
Theo đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ các nước mời Việt Nam tham gia vào CPTPP là do các nước đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam - đất nước đã thành công sau hơn 30 năm đổi mới. Bên cạnh đó, họ muốn nhắm tới thị trường 95 triệu dân của Việt Nam. "Họ muốn đầu tư vào Việt Nam và coi đây là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của họ", ông Ngân nói.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, tham gia CPTPP Việt Nam có rất nhiều cơ hội vì thị trường này rất lớn, trên 500 triệu dân. Tuy nhiên, đại biểu này lưu ý, đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân đầu người là trên 30.000 USD, vì thế, Việt Nam khi xuất khẩu phải quan tâm tới chất lượng sản phẩm và các yêu cầu kỹ thuật thì thị trường này.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đánh giá CPTPP mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức tới Việt Nam. Những cơ hội như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển, cũng giúp duy trì hòa bình.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng cần đánh giá tác động trực tiếp về kinh tế một cách kỹ lưỡng hơn.
Đại biểu Phong cho biết Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do song phương với 7/10 nước còn lại, nhưng khả năng tạo việc làm không quá lớn. Chưa kể một số khu vực nhạy cảm như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bị ảnh hưởng.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì nhấn mạnh CPTPP là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và pháp luật, tháo gỡ các rào cản để tiếp cận quốc tế.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần phải nỗ lực cải cách lập pháp, tư pháp khi thực thi CPTPP
Đồng tình với điều này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cần phải nỗ lực cải cách lập pháp, tư pháp khi thực thi CPTPP.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh trong quá trình thực hiện. Có một số khá niệm cần làm rõ trong hiệp định này như "công nhận tương đương", "thời gian hợp lý", "thời gian phù hợp"... mà nếu không rà soát để hướng dẫn, và tham khảo những án lệ quốc tế có liên quan đến xung đột, thì khi xảy ra các tranh chấp, xung đột thương mại thì Việt Nam không chủ động được.
Đại biểu đoàn Bến Tre cũng đề nghị cần nâng cao vai trò của tòa án tối cao, tổ chức tư vấn, luật sư, đồng thời nâng cao vai trò của cơ quan ngoại giao và các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài.