THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:19

Thái Nguyên: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội

 

Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vốn vay phát triển kinh tế

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, năm 2016, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 42.000 hộ nghèo, chiếm 13,4% và trên 28.000 hộ cận nghèo, chiếm gần 9%. Đầu năm 2016, Thái Nguyên đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm; hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 2,19%, hộ cận nghèo giảm được 0,17%, vượt kế hoạch đề ra. Có được kết quả này do trong năm, Thái Nguyên đã tích cực thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về hỗ trợ giảm nghèo, các cơ chế chính sách của tỉnh tập trung tiếp cận đa chiều nhằm giúp đỡ người dân giảm nghèo bền vững.

 

 

Nhằm hỗ trợ nguồn vốn vay cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện 13 chương trình cho vay, chủ yếu là các chương trình an sinh -  xã hội như: cho vay hộ nghèo; hỗ trợ học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm... Đến nay, đã có hơn 115.000 người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó phần đa là hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, đồng bào các dân tộc thiểu số... đã được tiếp cận với nguồn vốn của NHCSXH để cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Là một trong những hộ nghèo được vay số tiền 40 triệu đồng của Phòng giao dịch NH CSXH huyện Phú Lương (Thái Nguyên), gia đình anh Lò Văn Bốn ở xóm Khe Vàng 2, xã Phú Đô đã có điều kiện đầu tư phát triển mở rộng chăn nuôi dê núi. Mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, song do hoàn cảnh khó khăn, để có tiền nuôi dê, năm 2012, anh Bốn phải vay nặng lãi để mua con giống và làm chuồng trại. Tuy nuôi dê núi mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, nhưng với mức lãi suất cao thì tính ra chỉ đủ tiền trả lãi cho chủ nợ. Năm 2014, được sự động viên của các thành viên trong Tổ tiết kiệm, vay vốn xóm Khe Vàng 2, gia đình anh  đã quyết định vay tiền từ Tổ để trả hết nợ và mở rộng đàn dê. Từ 10 con đầu tiên, đến nay, đàn dê của nhà anh Bốn đã tăng lên hơn 30 con. Năm 2015, nhờ bán 12 con dê, vợ chồng anh Bốn đã thu về hơn 30 triệu đồng. 

Ngoài nguồn vốn từ Trung ương, thời gian qua NHCSXH tỉnh đã tích cực phối hợp với HĐND và UBND các cấp trên địa bàn trong việc tăng thêm nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay vốn.

Giúp người nghèo tiếp cận y tế

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn vay để người nghèo vươn lên thoát nghèo, trong những năm qua Thái Nguyên đã triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo quy định của chính sách BHYT là mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội, trong đó đối tượng thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% số tiền mua thẻ BHYT. Từ năm 2013, Thái Nguyên đã trích ngân sách để hỗ trợ 30% còn lại để hộ cận nghèo được hưởng 100% số tiền mua BHYT. Nhờ vậy, người nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn.

 

 

Ông Trần Văn Yên, xóm Cây Hồng, xã Sơn Phú (Định Hóa) - bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ: Tôi phải chạy thận từ năm 2012. Thời gian đầu, với 2 lần chạy thận mỗi tuần, tính cả chi phí ăn ở, đi lại gia đình tôi phải chi trả 3-4 triệu đồng mỗi tháng khiến kinh tế gia đình điêu đứng. Các bác sĩ khuyên nên mua BHYT tự nguyện nhưng gia đình chưa có đủ điều kiện. Cuối năm 2012, gia đình tôi được xét vào diện hộ nghèo và được cấp BHYT. Nhờ vậy, tôi được miễn hoàn toàn chi phí điều trị. Nếu không có BHYT tôi đã không thể kiên trì điều trị đến ngày hôm nay.

Ngoài ra, từ năm 2013, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn được Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng vay vốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ. Tại Thái Nguyên, người cận nghèo đã được UBND tỉnh hỗ trợ 30% mệnh giá mua thẻ BHYT còn lại, Dự án không tập trung vào việc vận động người cận nghèo mua thẻ BHYT mà mở rộng sang đối tượng hộ gia đình. Đối với người cận nghèo chủ yếu truyền thông hỗ trợ chi phí cao trong điều trị và truyền thông cách sử dụng bảo quản thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, Dự án đã hỗ trợ người cận nghèo tiền khám bệnh, chữa bệnh (nội trú và ngoại trú) khi chi phí của mỗi đợt điều trị lớn hơn 500.000 đồng và tối đa không quá 6 tháng lương cơ sở/đợt điều trị, không giới hạn số đợt điều trị trong năm. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã cấp trên gần 100.000 thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chủ trương xuyên suốt trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 là thực hiện tăng trưởng kinh tế để có thêm nhiều nguồn lực giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận được các cơ hội cải thiện cuộc sống, nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững lồng ghép với xây dựng nông thôn mới, tập trung hỗ trợ, chăm lo các hộ nghèo cải thiện, nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống, chống tái nghèo; chú trọng nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nghề; giảm nghèo theo lộ trình, bước đi thích hợp và đảm bảo hiệu quả thực chất trong các hoạt động giảm nghèo.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh