THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:36

Hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đều được quan tâm, chăm lo dịp Tết

 

Chủ động rà soát tình hình hộ nghèo, hộ thiếu đói khu vực vùng sâu, xa, vùng bị ảnh hưởng thiên tai trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt, có phương án cứu trợ, chăm lo kịp thời, không để một hộ dân nào không có Tết - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Vậy, các địa phương đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào? Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ -TB&XH) Nguyễn Văn Hồi đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Lao động và Xã hội (thuviensuckhoe.org) về công tác chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết Nguyên đán 2017 vừa qua.

 

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi

 

 Như vậy, việc chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã hoàn thành đúng kế hoạch. Được biết, năm nay Bộ LĐ - TB&XH sớm có công văn đề nghị các địa phương rà soát số hộ thiếu lương thực, thưa ông?

- Đúng vậy, ngày 24/11/2016, Bộ LĐ -TB&XH đã có Công văn số 4714/LĐTBXH-BTXH để nghị các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và giáp hạt đầu năm 2017; chủ động huy động nguồn lực hoặc sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói, bảo đảm không để người dân nào bị đói, không có Tết; trường hợp địa phương khó khăn không tự giải quyết được thì chủ động đề nghị trung ương hỗ trợ, nhất là những địa phương bị thiệt hại nặng nề do thiên tai ở khu vực Nam Trung bộ.

Về phía Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu Bộ LĐ- TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho 17 tỉnh: Quảng Ngãi, Hà Nam, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bình Định, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Lào Cai, Ninh Thuận, Đắk Nông, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Bình, Sóc Trăng.

Tính đến ngày 25/1/2017 (tức 28 Tết), Thủ tướng đã quyết định xuất cấp 14.114,075 tấn gạo hỗ trợ cứu đói cho 297.876 hộ, 941.403 nhân khẩu tại 17 tỉnh nêu trên trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Có 6 tỉnh đề nghị hỗ trợ số lượng gạo nhiều là: Quảng Ngãi (1.717,995 tấn); Bình Định (1.578,135 tấn); Nghệ An (1.766,265 tấn); Quảng Trị (1.485,990 tấn); Ninh Thuận (1.134,465 tấn); Quảng Bình (1.669,220 tấn), ít nhất là Tuyên Quang (310,290 tấn); Yên Bái (397,350 tấn)...

Nhìn chung, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ sớm, vì vậy việc cấp phát gạo được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Toàn bộ các địa phương trên đã hoàn thành việc cấp phát gạo cho các đối tượng trước ngày 27/1/2017(30 Tết), bảo đảm không để người dân nào bị thiếu lương thực trong dịp Tết. Việc cấp gạo hỗ trợ nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội.

Đây là việc làm có ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” đối với bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa…; giúp  bếp của người nghèo, hộ dân thiếu đói "đỏ lửa" trong những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

- Được biết ngoài các chính sách của Đảng và Nhà nước, thì nhiều địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo dịp Tết vừa qua?

- Theo báo cáo nhanh của các địa phương về kết quả trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nguồn kinh phí trợ giúp dịp Tết tại 63 tỉnh, thành khoảng 2.282 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 1.765 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã 179 tỷ đồng; nguồn vận động, xã hội hóa trên 300 tỷ đồng.

Ngoài nguồn lực từ ngân sách của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng có nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo ăn Tết. Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động được trên 852 tỷ đồng để hỗ trợ 2.176.296 suất quà cho hộ nghèo ăn tết.

Hệ thống các ngân hàng cũng đã dành hàng chục tỷ đồng tặng quà cho người nghèo ở các tỉnh khó khăn, đồng bào dân tộc vui Xuân đón Tết như:

Tập đoàn Vingroup 9,9 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội tặng 1.700 suất quà, trị giá 1,5 tỷ đồng; Công ty Dịch vụ kỹ thuật Điện lực dầu khí 1 tỷ đồng… 

Mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh phổ biến là 200.000đ - 300.000đ/đối tượng. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế như Bình Dương có mức 1.500.000 đ/hộ nghèo; TP. Hồ Chí Minh có mức hỗ trợ 1.100.000đ/đối tượng; Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ 600.000đ - 800.000đ/hộ nghèo. Thấp nhất là Đồng Tháp cũng dành 100.000đ/đối tượng. 

Địa phương dành nguồn ngân sách hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh (661 tỷ đồng), TP Hà Nội (285 tỷ đồng). Các địa phương hỗ trợ ít nhất cũng đạt hơn 500 triệu đồng như Bắc Kạn, Phú Yên. Một số địa phương có số kinh phí hỗ trợ Tết từ nguồn vận động xã hội hóa lớn, gồm: An Giang (20,5 tỷ đồng), Nam Định (18 tỷ đồng), Quảng Trị (15,5 tỷ đồng).

- Thưa ông, tình hình thiên tai lũ lụt năm 2016 diễn biến bất thường do vậy số lượng gạo cứu trợ cũng tăng cao so với mọi năm. Việc xuất cấp cho người dân có khó khăn gì không? 

- Năm 2016 nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, đầu năm là hạn hán tại các tỉnh Nam Trung bộ, khu vực Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, cuối năm lại chịu mưa lũ kéo dài  tại các tỉnh Nam Trung bộ,.. gây nhiều thiệt hại về tài sản, ruộng vườn, mất mùa diễn ra trên diện rộng. Vì vậy, việc cứu trợ, hỗ trợ gạo cho các địa phương cũng tăng hơn các năm trước. 

Đối với các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ngãi và Bình Định, Thủ tướng Chính phủ đã cấp 10.215,035 tấn gạo hỗ trợ cho 363.227 nhân khẩu; Đối với 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) bị thiệt hại ô nhiễm môi trường biển do Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra, từ đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương này 12.718,458 tấn gạo cho 349.102 nhân khẩu.

Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu các địa phương trên đều chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chăm lo Tết cho người dân bị ảnh hưởng bởi hải sản chết bất thường, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu đói và các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo trên địa bàn.

Đơn cử, tỉnh Quảng Trị đã trích 11,37 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và huy động thêm 15,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tặng quà Tết; tỉnh Thừa Thiên - Huế trích 10,117 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và huy động 16,663 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa để tặng quà Tết.

Nhiều địa phương có các hoạt động tổ chức thăm, chúc Tết, tặng quà cho công nhân lao động tại các công trường, bệnh nhân nghèo và các đơn vị lực lượng vũ trang trực Tết, điển hình như TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, An Giang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam…

Có thể nói, chung tay chăm lo Tết, giúp đỡ người nghèo, đối tượng chính sách xã hội từ lâu đã trở thành nghĩa cử nhân văn cao đẹp, cần tiếp tục phát huy, lan tỏa để mỗi cảnh đời, từng nếp nhà, vùng quê mỗi năm Tết đến Xuân về đều ấm áp, vui tươi trong tình yêu thương, sự đùm bọc của cộng đồng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 7.934 triệu đồng từ ngân sách trung ương để thực hiện “Đề án trợ giúp người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam” cho 7 tỉnh, gồm: Đắk Nông, Bình Phước, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh. Các địa phương được hỗ trợ kinh phí đã triển khai các chính sách hỗ trợ học nghề, y tế, giáo dục cho các đối tượng vào tháng 12/2016. 

Ngoài ra, Bộ LĐ -TB&XH cũng đã bố trí 600 triệu đồng từ kinh phí thực hiện Đề án năm 2016 của Bộ, hỗ trợ 2 tỉnh: Long An và Kiên Giang triển khai thí điểm “Mô hình sinh kế trợ giúp một số hộ dân di cư tự do từ Campuchia trở về”. Qua đánh giá kết quả thực hiện, mô hình tuy mới triển khai thí điểm, nhưng đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn cho đối tượng di cư tự do về nước.

THANH NHUNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh