THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:24

Thái Bình tri ân người có công với cách mạng

Trao đổi với PV về công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, ông Nguyễn Văn Bái – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho biết:  “Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa trên 50 vạn lượt người con ưu tú tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đóng góp trên 100 triệu ngày công; trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến". 

 

Khuôn viên đền thờ liệt sĩ tỉnh Thái Bình Công trình văn hóa lịch sử mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc


Với những đóng góp to lớn đó.Thái Bình vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm. Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động cho hơn 200 tập thể và cá nhân, hơn 5.400 Bà mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", trên 26 vạn người được thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Lễ cầu siêu tưởng nhớ hơn 51.000 anh hùng liệt sĩ quê hương Thái Bình đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh Thái Bình chiều ngày 26/7/2019


Toàn tỉnh có gần 6 nghìn người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Trên 51 nghìn liệt sĩ, gần 33 nghìn thương bệnh binh(TBB), gần 34 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến, họ và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin (CĐHH).

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, 72 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng. Từ những năm 1945, với phong trào “Mùa đông binh sĩ”; “Giúp binh sĩ bị thương”, nhân dân Thái Bình đã tích cực quyên góp tiền mua thuốc men, vật dụng… tặng bộ đội và chiến sĩ bị thương.

Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi Nhà nước ban hành các chính sách đối với thương binh, liệt sĩ. Các cấp chính quyền trong tỉnh đã thực hiện tốt các chế độ “hưu bổng thương tật” đối với thương binh và “chế độ tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ, ngoài ra còn ưu tiên chia công điền, công thổ cho TBB, gia đình liệt sĩ. Nhiều cuộc vận động chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ do Trung ương phát động như thành lập "Hội mẹ chiến sĩ", “Đón thương binh về làng” đã được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Cuộc vận động “Đón thương binhvề làng” phát triển thành phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Các mẹ, các chị đã đón nhận trên một nghìn TBB nặng về gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, góp phần quan trọng để điều trị bệnh lý và ổn định sức khỏe cho TBB.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh nặng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công tỉnh.


Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Thái Bình đã tiếp nhận, giải quyết chính sách cho hơn 4 nghìn quân nhân phục viên về địa phương, 15 nghìn TBB miền Nam tập kết ra Bắc. Nhân dân trong tỉnh còn góp công, góp của cất bốc gần 8 nghìn hài cốt liệt sĩ quy tụ vào các nơi tập trung và xây dựng thành những nghĩa trang liệt sĩ. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với thương binh và gia đình liệt sĩ đã được thực hiện tốt như: “Điều lệ ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ”, giảm tô, giúp đỡ những NCC trong phong trào đổi công hợp tác...

  Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thái Bình vừa tiếp tục động viên con, em lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa thực hiện chính sách hậu phương quân đội và công tác TBLS. Các cơ sở an dưỡng tiếp nhận TBB gấp rút được thành lập, kịp thời đón hơn 30 nghìn lượt TBB về điều trị, an dưỡng và giải quyết chính sách. Ngoài ra, Thái Bình còn tiếp nhận hơn 5 nghìn TBB tỉnh ngoài và gần 3 nghìn học sinh là con em của chiến sĩ đồng bào “tuyến lửa” Vĩnh Linh (Quảng Trị) về nuôi dưỡng, chăm sóc.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Thái Bình thăm hỏi tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Thị Nhặt ở xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình.


Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục giải quyết các chính sách về  TBLS, chế độ đãi ngộ NCC với cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã nêu cao truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hiện chính sách  TBLS. Từ năm 1995 đến nay, thực hiện các Pháp lệnh ưu đãi người có công, Pháp lệnh phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Quyết định, Nghị định của Chính phủ, công tác TBLS và NCC của tỉnh Thái Bình ngày càng được coi trọng, được chỉ đạo chặt chẽ và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng cơ bản đã đảm bảo đầy đủ, kịp thời như: Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho TBB, thân nhân liệt sỹ, Bà mẹ VNAH, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước ngày khởi nghĩa 19/8/1945, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị địch bắt tù đày, người HĐKC bị nhiễm CĐHH, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và thực hiện chi trả trợ cấp một lần cho người tham gia HĐKC theo quyết định 62/2011/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định số 142/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 290/2005/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp  tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 40/2011/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến…

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình và đông đảo tầng lớp nhân dân dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ tỉnh tối ngày 26/7/2019.


Hiện nay ngành LĐ–TB&XH Thái Bình đang thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với 68.153 đối tượng, trong đó 48.760 đối tượng là người có công với cách mạng (thương binh, bệnh binh, người HĐKC bị nhiễm CĐHH, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa...), 19.393 trường hợp là thân nhân liệt sỹ và thân nhân người có công với kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng trên 140 tỷ đồng. Hàng năm thực hiện chế độ điều dưỡng cho gần 40 ngàn NCC và thân nhân liệt sỹ; trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 7.000 người, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 170 nghìn người; quyết định trợ cấp một lần, giải quyết chế độ Mai táng phí khi NCC từ trần cho gần 10 ngàn lượt người.

Tuổi trẻ Thái Bình dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ tỉnh 


Các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được triển khai thực hiện rộng khắp trên toàn tỉnh và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Sở LĐ – TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai việc tặng quà của Chủ tịch nước cho hơn 82 nghìn NCC và thân nhân, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tặng quà của tỉnh cho trên 93 nghìn NCC, thân nhân, người thờ cúng liệt sỹ với tổng số kinh phí  gần 140 tỷ đồng. Ngoài quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường thị trấn cũng huy động xã hội hóa và trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng tặng quà tặng cho NCC và thân nhân liệt sĩ.

Việc hỗ trợ nhà ở cho NCC được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện: Giai đoạn từ năm 1992 - 2011, Thái Bình đã xây mới, tu sửa, nâng cấp 17.282 căn nhà cho NCC với cách mạng, với tổng kinh phí trên 251,8 tỷ đồng từ nguồn huy động thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp.  

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 1 của Đề án (2012-2013): hỗ trợ đối với 2.716 hộ (xây mới 1.889 hộ, sửa chữa 827 hộ). trong đó các hộ được hỗ trợ xây mới từ các nguồn kinh phí xã hội hóa do tỉnh, huyện, xã vận động là 900 hộ (503 hộ từ nguồn huy động hỗ trợ của các ngân hàng; 397 hộ từ nguồn huy động khác). Giai đoạn 2 (2014-6/2019): hỗ trợ đối với 13.380 hộ (xây mới 8.201 hộ, sửa chữa 5.179 hộ).

Xây dựng nhà ở cho người có công tại xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy


Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 206 công trình ghi công ơn liệt sĩ, trong đó có 99 nghĩa trang liệt sĩ là nơi an nghỉ của 16.440 liệt sĩ. Số mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin 12.510 mộ, mộ chưa có danh tính: 3.063 mộ, mộ khuyết thông tin: 78 mộ; mộ vọng: 789 mộ. 100% mộ liệt sĩ được xây dựng bằng vật liệu cứng, nhiều công trình ghi công ơn liệt sĩ đã trở thành công trình lịch sử văn hóa như: nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng; Đền thờ liệt sĩ huyện Tiền Hải, huyện Hưng Hà, huyện Kiến Xương, huyện Thái Thụy…có giá trị giáo dục trong thế hệ trẻ hiện nay. Công tác quy tập hài cốt liệt sỹ, cũng đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Mỗi năm có hàng trăm hài cốt liệt sỹ người Thái Bình được giám định, xác định danh tính và di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ quê hương....

 

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở LĐ–TB&XH cùng các đoàn thể của tỉnh Thái Bình thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 tỉnh Quảng Trị


Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình Nguyễn Văn Bái  cho biết,  để thực hiện tốt chính sách chăm sóc NCC, thời gian tới Thái Bình sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Ðảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác NCC với cách mạng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ NCC với cách mạng. Xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 

Đông đảo tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh 


 Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác NCC với cách mạng. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của cán bộ LĐ-TB&XH hội đặc biệt là ở cấp cơ sở. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với NCC.

Tiếp tục giải quyết hồ sơ NCC còn tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để sót theo đúng chỉ đạo của Bộ LĐ – TB&XH, để đảm bảo mọi NCC đều được hưởng đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

 

Lãnh đạo Thành phố Thái Bình tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng.


 Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách Nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác NCC. Gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho NCC với cách mạng.

 

Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC Thái Bình hàng năm thực hiện điều dưỡng luân phiên cho 3.500 – 5.000 đối tượng NCC của tỉnh Thái Bình


 Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách NCC với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NCC với cách mạng, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các TBB và gia đình NCC, để họ khắc phục khó khăn, tự nỗ lực vươn lên tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Minh Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh