THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:17

Thừa Thiên - Huế: Xử lý bom mìn sau chiến tranh, trả lại đất sạch cho dân

Theo số liệu điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, đến tháng 12/2008, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 172406 ha đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, chiếm 34,4% diện tích toàn tỉnh, có 148/152 xã bị nhiễm  bom mìn vật nổ, trong đó có 22,0% xã phường bị ô nhiễm bom mìn ở mức rất cao và khoảng 78% xã phường tác động ở mức trung bình.

 

Từ những số liệu nêu trên cho thấy, sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng trong lòng đất, ảnh hưởng rất lớn cho công tác khai hoang, phục hóa, xây dựng công trình định canh định cư và hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Vì vậy, việc rà phá bom, mìn, vật liệu nổ để sớm giải quyết nhu cầu ổn định, sinh hoạt, cải thiện đời sống và phát triển sản xuất cũng như bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân toàn tỉnh là cần thiết.

 

Bộ đội đang rà phá bom mìn tại xã Hương Hữu (huyện Nam Đông).

 

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Chương trình 504), tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh. Đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều chiến dịch thu gom, tiêu hủy bom mìn các loại, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giải phóng nhiều diện tích đất đưa vào sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo. Thừa Thiên – Huế cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và hàng năm đã đầu tư kinh phí hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng ô nhiễm nặng chủ động phòng tránh giảm thiểu thiệt hại và tiến hành tuyên truyền, vận động sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh tại địa phương.

 

Ngoài các đơn vị chủ lực thực hiện Chương trình 504 là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Tổng Cty 319 (Bộ Quốc phòng). Từ năm 1999 đến nay, Thừa Thiên- Huế đã sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế từ Bộ Ngoại giao Đức, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ), tổ chức Potsdam  Kommunnikation, SODI (Đức), Apopo (Bỉ), Cơ quan phát triển Úc, Tổ chức AVI (Úc), MAG (Anh), CPI (Hoa Kỳ), NPA (Na uy), VVAF (Hoa Kỳ)... trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, với tổng giá trị lên đến 10 triệu đô la Mỹ. Nhờ đó đã góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức rà phá làm sạch hơn 1.200ha đất bị ô nhiễm bom mìn, phát hiện và phá hủy khoảng 52.000 bom mìn và vật liệu chưa nổ; tổ chức các đội lưu động rà phá bom mìn và giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức tại chỗ cho các cộng đồng dân cư, học sinh, xây dựng các khu tái định cư, hỗ trợ phát triển kinh tế, cho vay tín dụng, cấp học bổng cho con em nạn nhân bom mìn.

 

Sau khi được “làm sạch”, hiện tại số diện tích đất đã rà phá được chính quyền địa phương đưa vào quy hoạch bố trí ổn định việc định canh định cư cho đồng bào nhân dân ở các huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Thuỷ. Người dân an tâm canh tác, sản xuất phục vụ đời sống và an cư lạc nghiệp; một số diện tích đưa vào quy hoạch trồng rừng, trồng cây công nghiệp và sử dụng vào một số mục đích khác.

 

Có thể nói, công tác rà phá bom mìn ở Thừa Thiên - Huế được người dân đồng tình và đánh giá rất cao. Vì nó đã góp phần đảm bảo an toan sinh mạng, giải quyết nhu cầu ổn định sinh hoạt, cải thiện đời sống và phát triển sản xuất, đất ở cho ngươi dân địa phương; đảm bảo mặt bằng thực hiện các dự án hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, kinh tế xã hội cho người dân an tâm sản xuất, canh tác; củng cố niềm tin ngày càng vững chắc vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, vịêc triển khai dự án dò tìm, xử lí bom mìn vật nổ ở địa bàn hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và các xã vùng chiến khu cũ cũng như các huyện thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Diện tích đất ô nhiễm bom mìn vật nổ ở các huyện: A Lưới 64.793,6 ha; Phong Điền 39.429 ha; Nam Đông 17.710,2 ha; Hương Trà 12.558,5 ha; Phú Lộc 11.659,3 ha; Phú Vang 10.268,2 ha; Hương Thủy 8.205,6 ha; Quảng Điền 5.048,3 ha; TP Huế 2.734,1 ha. Mức độ nguy hiểm của bom mìn  tác động rất lớn đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng đến đời sống  và sản xuất của nhân dân trên toàn tỉnh.

 

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh