THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:53

Thái Bình: Khai mạc lễ hội Chùa Keo mùa thu năm 2018

 

Đã thành thông lệ hàng trăm năm nay cứ vào trung tuần tháng 9 (Âm lịch) hàng năm, chùa Keo Thái Bình lại mở lễ hội mùa thu để chào đón phật tử và du khách trên cả nước tới tham quan, vãn cảnh chùa và lễ Phật, lễ thánh. Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân.

 

Khai mạc Lễ hội chùa Keo năm 2018

 

Chùa Keo được đánh giá là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc và là 1 trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam. Lễ hội chùa Keo mùa Thu tái hiện rõ nét đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của người dân làng Keo từ ngàn đời xưa. Các nghi lễ trong những ngày hội thu của chùa Keo vừa mang tính chất lễ hội nông nghiệp, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử. Trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo và đáng chú ý là lễ rước kiệu Thánh để nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao đối với thánh thần và tổ tiên làng xã. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong các bậc thánh thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu, cuộc sống an khang thịnh vượng...

 

Một cảnh rước thuyền rồng ở lễ hội chùa Keo 

 

Bên cạnh phần lễ là các hoạt động vui hội, các hoạt động văn hóa, thể thao và những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc địa phương như: Thi têm trầu cánh phượng, chọi gà, thi hát văn, đập niêu, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô bắt vịt, kéo co, bơi chải cạn…tạo nên không khí sôi nổi, thấm đượm nét văn hóa đồng quê Bắc Bộ. Cuối lễ hội còn có nghi lễ chầu thánh, đây là nghi lễ đặc biệt chỉ có ở lễ hội chùa keo. Điệu múa chầu thánh là điệu múa cổ diễn tả bằng điệu chèo cạn và múa ếch vồ. Những động tác khỏe mạnh, dứt khoát hướng về phía thờ thánh, như muốn thể hiện cho thần thánh biết lòng biết ơn vô bờ bến của dân làng Keo đối với ngài.

 

Hát quan họ giao duyên ở chùa Keo 

 

Năm 2018, Lễ hội chùa keo diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 18/10 đến ngày 23/10). Đến với Lễ hội chùa Keo năm nay, ngoài phần lễ trang trọng và linh thiêng, ban tổ chức lễ hội còn đưa thêm 1 số hoạt động trò chơi dân gian và tổ chức 2 đêm nghệ thuật (đêm ngày 18/10 do đoàn ca múa kịch Thái Bình bểu diễn, đêm ngày 22/10 do các câu lạc bộ văn nghệ của toàn huyện Vũ Thư biểu diễn và giao lưu), qua đó du khách thập phương đến với lễ hội có thêm cơ hội được tham gia, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc độc đáo.

   Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang tự) tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, được xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung hưng,  thế kỷ XVII) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000 m2. Chùa Keo ngoài thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh). Vị thánh được thờ là Thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học.

 

Kiến trúc chùa keo

 

Hiện nay, khu di tích chùa Keo có tổng diện tích 41.561,9m2, gồm 17 công trình với 128 gian, được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “Nội công ngoại quốc”. Nổi bật trong khuôn viên chùa là những công trình kiến trúc như: Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, tòa giải vũ, vườn tháp, gác chuông, hành lang, khu tăng xá …

  Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tầng một có treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796.

 

   Gác chuông chùa Keo


    Từ trên mặt đê đi xuống qua bậc tam cấp, gặp một sân nhỏ lát đá tảng, công trình đầu tiên là tam quan ngoại. Rẽ phải, hoặc trái theo con đường men theo hồ nước hai bên tả, hữu gặp hai cổng tò vò, giữa là tam quan nội. Điều đáng quan tâm nhất ở tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan chạm rồng chầu – một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ XVII. Từ tam quan nội, qua một số sân nhỏ rộng ta đến khu chùa phật gồm Chùa ông Hộ, tòa thiêu hương (ống muống) và điện phật.

Khu chùa Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 đó là tượng Tuyết Sơn, La Hán, quan thế âm Bồ Tát...

Khu đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý được kết nối với khu thờ Phật gồm tòa giá roi, tòa thiêu hương, tòa phụ quốc và thượng điện. Những công trình này nối tiếp với nhau tạo thành một kết cấu kiểu chữ công

 

Cảnh quan chùa keo

 

Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tôn tạo, Chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ độc đáo của ngôi chùa Việt.

Với những giá trị văn hóa lịch sử, ngày 28/4/1962, chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Tháng 9/2012, chùa Keo được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm hai cụm kiến trúc: Khu Chùa là nơi thờ phật và khu Đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa. Ngày 23/11/2O17, Lễ hội chùa Keo được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 Đến thăm chùa, du khách còn nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

M.QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh